7 kiểu điều hành doanh nghiệp phổ biến
03/06/2024 |Có lẽ không ít doanh nhân bước trên con đường kinh doanh mà chưa một lần tự hỏi: doanh nghiệp mình đang vận hành kiểu gì?
Khi đặt vấn đề này, chúng tôi không có ý định nói đến quy định của pháp luật về các loại hình kinh doanh, hay các phong cách lãnh đạo điều hành thường được trình bày trong sách báo. Chúng tôi muốn hệ thống hóa lại những gì đã quan sát được trong cách các doanh nghiệp hình thành và tồn tại.
Vậy, tại sao điều này lại quan trọng?
Cũng như cuộc đời mỗi con người, chúng ta thường suy nghĩ và hành động theo một lối mòn của tư duy, ít khi chúng ta tự hỏi mình: tại sao chúng ta làm những thứ chúng ta đang làm? Điều chúng ta đang làm đã phải là điều tốt nhất với bản thân mình chưa? Khi chúng ta tự hỏi những điều này và đi tìm câu trả lời, có thể ta sẽ tìm thấy con đường đi đúng đắn hơn, hoặc ít nhất cũng khiến cuộc sống trở nên ý nghĩa.
Đối với doanh nghiệp, việc hiểu rõ cách doanh nghiệp hoạt động giúp nhà lãnh đạo hiểu rõ hơn mô hình vận hành thực tế của nó; tìm ra những điểm mạnh, điểm yếu và giải thích được nguyên nhân hình thành nên chúng; từ đó mới có thể thay đổi và cải thiện. Cách doanh nghiệp vận hành chịu ảnh hưởng rất lớn từ niềm tin, quan điểm và cách hành động của những nhà sáng lập; trong nội dung này, chúng tôi sẽ phân tích một số kiểu điều hành doanh nghiệp phổ biến hiện nay.
- Điều hành kiểu mò mẫm
- Điều hành kiểu độc tài
- Điều hành kiểu gia đình trị
- Điều hành kiểu dân chủ
- Điều hành kiểu vay mượn
- Điều hành kiểu bài bản
- Điều hành kiểu chộp giật
1. Mò mẫm
Đầu tiên, có lẽ là phổ biến nhất là kiểu điều hành doanh nghiệp "mò mẫm", nhà sáng lập thường không có nền tảng mạnh về quản lý, không hiểu đầy đủ về vai trò và kĩ năng lãnh đạo, họ vận hành doanh nghiệp theo kiểu vừa học, vừa làm. Mọi hoạt động quản lý từ Nhân sự, Marketing, Tài chính, Vận hành...đều được thực hiện theo quan điểm chủ quan, có khi đúng nhưng đôi khi cũng sai lầm, họ chấp nhận sai tới đâu sửa tới đó để tiếp tục hoạt động. Nếu doanh nghiệp thành công sớm, nhà sáng lập sẽ rất tự tin vào cách điều hành của mình, họ đề cao kinh nghiệm và trực giác của mình trong các quyết định và có thể coi nhẹ ý kiến của người khác. Nếu doanh nghiệp gặp nhiều vấp váp, nhà sáng lập sẽ học được nhiều điều và đề cao sự hỗ trợ của bên ngoài: đối tác, nhân viên, gia đình, bạn bè...Doanh nghiệp mò mẫm nhìn chung có thể tồn tại và phát triển trong một số môi trường quen thuộc, ít biến động và ở quy mô khiêm tốn. Khi doanh nghiệp muốn lớn mạnh hoặc mở rộng hoạt động sang một lĩnh vực mới, họ cần xem xét và đánh giá lại toàn diện năng lực của mình so với các đối thủ mà họ có thể phải đối mặt; họ phải tiếp tục mò mẫm lại từ đầu.
2. Độc tài
Những doanh nghiệp được hình thành bởi 1 nhà sáng lập thường có khả năng sẽ vận hành theo kiểu "độc tài". Tức là nhà lãnh đạo can thiệp tuyệt đối vào hầu hết mọi quyết định hoạt động. Với những doanh nghiệp này, tính cách và văn hóa của nhà lãnh đạo sẽ quyết định cách doanh nghiệp vận hành. Nếu nhà lãnh đạo có triết lý, thể hiện ở chiều sâu nhận thức và lý luận của họ, họ hiểu rõ con người mình và hành động theo nguyên tắc rõ ràng; doanh nghiệp có thể sớm hình thành được hệ tư tưởng và giá trị văn hóa mang đậm dấu ấn của nhà sáng lập, nếu hệ tư tưởng và những giá trị đó phù hợp với môi trường kinh doanh và giúp cho doanh nghiệp thành công, doanh nghiệp có thể phát triển tương đối thuận lợi trong phạm vi mà nhà lãnh đạo có thể kiểm soát. Với những nhà sáng lập độc tài không có tính cách và giá trị văn hóa rõ ràng, họ thường làm việc không có nguyên tắc nhất quán, họ lãnh đạo một cách ngẫu hứng và tùy tiện với cấp dưới trong từng tình huống, họ có thể có những hành vi mâu thuẫn nhau mà chính bản thân họ cũng không giải thích được. Khi đó, doanh nghiệp khó có được văn hóa mạnh, môi trường doanh nghiệp thường bị chia rẽ bởi các nhóm tiểu văn hóa và những trò chơi chính trị phức tạp. Nếu không có những lợi thế đặc biệt đến từ bên ngoài, sẽ rất khó để những doanh nghiệp này có thể phát triển ở quy mô lớn.
3. Gia đình trị
Một hình thức điều hành doanh nghiệp rất phổ biến khác đó là kiểu "gia đình trị". Tức là hầu hết quyền hành quan trọng trong doanh nghiệp đều nằm trong tay gia đình nhà sáng lập. Hình thức điều hành này có lịch sử lâu đời trên khắp thế giới, trước cả khi có những siêu doanh nghiệp như ngày nay. Nhiều đế chế kinh doanh gia đình đã tồn tại hàng trăm năm như gia tộc Rothschild (Châu Âu); gia tộc Du Pont (Hoa Kỳ), gia tộc Tata (Ấn Độ) hay gần đây hơn là gia tộc Toyoda (Nhật Bản), gia tộc Samsung (Hàn Quốc), họ đều là những tập đoàn hàng đầu thế giới; những ví dụ này minh chứng cho sự bền vững của hình thức "gia đình trị". Mặc dù vậy, không phải doanh nghiệp gia đình nào cũng thành công, không ít doanh nghiệp gia đình không biết cách quản lý đã để cho những mối quan hệ gia đình, thân tộc bóp nghẹt khả năng phát triển. Việc không có hệ thống văn hóa rõ ràng, không chú trọng phát triển năng lực thế hệ kế cận, quá dễ dãi với "người nhà" đã tạo cho doanh nghiệp nhiều rắc rối hơn là lợi ích.
4. Dân chủ
Không ít doanh nghiệp được hình thành từ sự gặp nhau của những "tư tưởng lớn", đó có thể là những người bạn bè, anh em cùng chí hướng, nhận thấy một vận hội kinh doanh và cùng nhau thành lập doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này thường được vận hành theo phong cách dân chủ, tức là các quyết định lớn thường được bàn bạc và đồng thuận bởi nhóm sáng lập, các thông tin được chia sẻ cởi mở và thẳng thắn. Những doanh nghiệp này thường có lợi thế khi xây dựng văn hóa vì đã có nền tảng từ văn hóa nhóm sáng lập, các quyết định chiến lược cũng bớt rủi ro hơn khi huy động được sự tham gia của tập thể. Tuy nhiên, nếu văn hóa nhóm sáng lập chưa đủ mạnh, tức là các thành viên chưa đủ gắn kết; hoặc văn hóa đó không phù hợp, tức là chơi thì được chứ kinh doanh thì khó; có khả năng cao sẽ dẫn tới sự chia rẽ trong quá trình hoạt động; khi đó, hậu quả với doanh nghiệp là rất khó lường vì không ai có quyền lực tuyệt đối để điều phối những mâu thuẫn.
5. Vay mượn
Một hình thức điều hành doanh nghiệp tồn tại trong bối cảnh đặc thù của các quốc gia có môi trường kinh doanh không lành mạnh, chúng tôi gọi là điều hành kiểu "vay mượn"; tức là nhà lãnh đạo gần như không có kĩ năng và chuyên môn gì trong việc điều hành doanh nghiệp; họ nhờ những mối quan hệ mà có được cơ hội kinh doanh (với quan chức nhà nước, với cán bộ chân trong chân ngoài tại doanh nghiệp khác); điều này giúp họ đảm bảo đầu ra cho doanh nghiệp. Họ thường giao phó việc quản lý cho cấp dưới theo chuyên môn hoặc điều hành theo cách chủ quan tùy tiện; điều họ quan tâm nhất không phải thúc đẩy năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mà là chăm sóc các mối quan hệ sao cho không bị "mất mối". Những doanh nghiệp này hoạt động không theo chiến lược và kế hoạch chủ động mà phụ thuộc phần lớn vào mối quan hệ bên ngoài; sự cạnh tranh lành mạnh gần như không có khiến cho nhân sự của họ ít có cơ hội được cọ sát để nâng cao chuyên môn. Khi các doanh nghiệp này phải cạnh tranh bình đẳng với đối thủ, họ sẽ ít có khả năng chiến thắng.
6. Bài bản
Sự phát triển mạnh mẽ về khoa học quản lý trong những năm qua hình thành một kiểu điều hành doanh nghiệp có hiệu quả vượt trội chưa từng có, chúng tôi gọi là kiểu điều hành "bài bản", những doanh nghiệp đó là thực thể sinh ra để kinh doanh theo đúng nghĩa. Theo đó, mọi hoạt động của doanh nghiệp đều được tổ chức như "sách giáo khoa", nhà lãnh đạo của họ có nền tảng về lãnh đạo điều hành vững chắc, đồng thời, họ có đội ngũ cố vấn mạnh mẽ là những chuyên gia hàng đầu về quản lý, họ nắm vững các phương pháp luận, công cụ, nguyên tắc, kĩ năng trong lãnh đạo điều hành và liên tục ứng dụng các tiến bộ mới nhất trong thực tiễn quản lý. Các doanh nghiệp này thường thu hút được những nhân sự hàng đầu do môi trường làm việc lành mạnh và cơ hội phát triển sự nghiệp rõ ràng; sự thay đổi, kể cả lãnh đạo cấp cao đối với họ cơ bản không tạo ra nhiều xáo trộn; họ hoạt động minh bạch và có thể dễ dàng định giá để mua bán như những "hàng hóa". Khi đối mặt với cạnh tranh, họ thường nghiên cứu kĩ thị trường và đối thủ để xác định chiến lược phù hợp; nếu các đối thủ không có nền tảng quản trị tốt hoặc những "mối quan hệ đặc biệt", rất khó có cơ hội để chống lại họ, cho dù có lợi thế "sân nhà".
7. Chộp giật
Trong những năm qua, một hình thức điều hành doanh nghiệp phổ biến nổi lên, chúng tôi gọi là kiểu điều hành "chộp giật", những doanh nghiệp này nhanh chóng thành lập khi thấy có cơ hội và cũng nhanh chóng dừng lại khi cơ hội qua đi. Tại các doanh nghiệp này, nhà lãnh đạo không xác định kinh doanh là con đường lâu dài, họ không sống chết với doanh nghiệp và nhân viên của mình, họ chỉ quan tâm tới lợi ích bản thân, khi thuận lợi thì họ làm, khi khó khăn thì họ nghỉ. Những doanh nghiệp này tồn tại như những "thây ma" khi thị trường ảm đạm và "bật sống dậy" khi ngửi thấy cơ hội. Họ thường không có suy nghĩ dài hạn và tìm mọi cách để trốn tránh các nghĩa vụ với khách hàng, người lao động, nhà nước.
Chúng tôi vừa liệt kê một số kiểu điều hành doanh nghiệp thường gặp và đặc điểm chính của từng loại. Cách phân loại này là tương đối, một doanh nghiệp nghiệp có thể lai tạo giữa nhiều kiểu điều hành; nó được quyết định bởi tư tưởng và khả năng của nhà lãmh đạo. Dù điều hành theo bất kì kiểu nào, dấu ấn của những nhà lãnh đạo sáng lập đều rất rõ ràng; hiểu rõ về tư tưởng nhà lãnh đạo và cách họ hành động sẽ giải mã được cách mà doanh nghiệp vận hành; hiểu được cách vận hành sẽ giúp nhìn ra những nút thắt và cách cởi bỏ chúng để doanh nghiệp có thể lớn mạnh.