Case Study #01: Sự thành công và thất bại của Nokia
18/10/2022 |Các bạn đã từng sở hữu 1 chiếc điện thoại Nokia chưa?
Nếu là những người sinh ra trong thế hệ 9X hoặc trước đó, chắc hẳn bạn đã từng nghe tới thương hiệu này.
Nokia là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của ngành viễn thông di động, sự nhanh nhạy của Nokia với những thay đổi thị trường đã giúp họ nhanh chóng trở thành nhà sản xuất thiết bị cầm tay hàng đầu thế giới vào năm 1998. Nhưng cũng chỉ 10 năm sau đó, Nokia đã bị lật đổ bởi các nhà sản xuất châu Á (Huawei, Xiaomi,...) trong thị trường điện thoại giá rẻ và smartphone (Iphone, Motorola, Samsung) ở thị trường điện thoại cao cấp. Tháng 6 năm 2011, thị phần của Nokia trên thị trường điện thoại thông minh đã giảm xuống còn 25%, từ 49% ngay trước khi iPhone ra mắt vào năm 2007.
Thời gian sau đó, Nokia vẫy vùng tồn tại chủ yếu nhờ các thiết bị cầm tay giá rẻ được bán ở các thị trường mới nổi.
Vào tháng 9 năm 2013, doanh nghiệp Phần Lan này đã thông báo bán mảng kinh doanh Thiết bị và Dịch vụ của mình cho Microsoft với giá 7,2 tỷ USD. Vụ mua bán này đánh dấu "một kết thúc buồn cho mảng kinh doanh thiết bị cầm tay vĩ đại một thời của Nokia".
Nokia đã sai điều gì? khi họ đã từng là người dẫn đầu về am hiểu thị trường, thiết kế sản phẩm và bán hàng?
Có phải do họ đã dấn quá sâu vào "sản xuất" mà lơ đãng những vấn đề "thị trường"?
Có phải vì họ đã quá tham lam khi muốn đáp ứng quá nhiều nhu cầu từ giá rẻ tới cao cấp? Từ thị trường truyền thống tới thị trường mới?
Hay họ đã quá chậm chạp trước các đối thủ mới và sự thay đổi hành vi người dùng thời công nghệ khi các hệ điều hành IOs, Android ra đời cùng sự bùng nổ của kỉ nguyên "ứng dụng"?
Nếu là người điều hành Nokia, bạn sẽ làm gì?
+) Ở lại thị trường Mỹ vì đây vẫn là thị trường lớn và có lĩnh vực phầm mềm rất phát triển hay rời bỏ nó vì phải đầu tư rất nhiều để phát triển công nghệ CDMA và phải giảm giá sâu vì các đối thủ mới cạnh tranh quá mạnh?
+) Dịch chuyển sang những thị trường mới nổi vì chúng rất tiềm năng với rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng hay đẩy mạnh các thị trường truyền thống vì có hệ thống phân phối và thương hiệu tốt?
+) Sẽ không cần quan tâm tới việc cạnh tranh với Iphone vì hệ điều hành Symbian có nhiều thứ mà IOs có, không muốn thấy sự phản ứng của khách hàng vì đã quen với điện thoại Nokia giá thấp và không muốn bị phụ thuộc vào nhà mạng. Hay cần phản ứng mạnh mẽ hơn với Iphone vì họ có năng lực đưa một máy tính vào điện thoại thông qua hệ điều hành và các ứng dụng.
Không dễ gì để khẳng định rằng các quyết định của Nokia là sai; nhưng có thể khẳng định, trong hầu hết những vấn đề Nokia gặp phải đều do những yếu tố "bên ngoài".
Ai dự đoán được:
- Một công ty máy tính như Apple sẽ tham gia thị trường điện thoại?
- Google - một công cụ tìm kiếm lại tung ra thị trường một hệ điều hành đi động?
- Thị trường điện thoại giá rẻ toàn cầu lại tràn ngập các nhà sản xuất Trung Quốc?
Sức ì, sự không tập trung và phản ứng không đủ mạnh mẽ, không đủ kịp thời trước những vấn đề thị trường và khách hàng đã làm cho một tượng đài tưởng chừng bất khả chiến bại "đổ rạp". Ngày nay, người dân Việt Nam nhớ đến Nokia như nhớ về một "tình yêu cũ" với nhiều hoài niệm đẹp về vẻ yêu kiều của Vertu; hay sự mộc mạc giản dị của 3210; 1110i; 6610; E72; 8800 chứ ít ai nhớ đến một thương hiệu smartphone nhạt nhòa đang loay hoay ăn mày dĩ vãng.
PizPub.vn