Doanh nghiệp không có chiến lược trông như thế nào?
06/12/2023 |1. Luôn mơ hồ về Triết lý - Sứ mệnh - Giá trị cốt lõi
Hành động không có mục đích, niềm tin:
-
Bạn sẽ không thể giải thích được tại sao bạn làm những thứ mình đang làm. "Tiền" có thể là thứ duy nhất và dễ dàng nhất để bao biện cho mọi hành động của bạn, nhưng nó không phải là mục đích, nó chỉ là phương tiện. Tại sao bạn cần có tiền? Có tiền rồi bạn sẽ làm gì với nó? Nếu có rất nhiều tiền, bạn sẽ làm gì? Bạn có dừng kinh doanh lại nếu bạn đã có đủ tiền?...rất nhiều câu hỏi mà bạn sẽ không thể trả lời nếu bạn và doanh nghiệp của mình không có mục đích.
-
Nếu nhân viên của bạn cũng đến với bạn chỉ vì tiền thì điều gì sẽ xảy ra? Họ sẽ chỉ làm công việc tạo ra tiền và trốn tránh những thứ nặng nhọc ít tạo ra tiền, họ sẽ không cùng bạn lao vào những thử thách nếu họ không biết chắc chắn nó đem lại đủ tiền cho họ, mà kinh doanh thì có gì chắc chắc? Nếu chỉ vì tiền, họ sẽ rời bỏ bạn bất cứ lúc nào có 1 cơ hội kiếm tiền tốt hơn, họ cũng sẽ rời bỏ bạn để đến với những thứ ý nghĩa hơn khi họ đã kiếm đủ tiền cho mình. Doanh nghiệp chỉ có thể làm việc với những người thiếu thốn tiền bạc mà sẽ khó giữ được những người muốn gắn kết tình cảm với công việc, họ mới là những người sẵn sàng gắn bó với doanh nghiệp trong lúc khó khăn, sẵn sàng thay đổi và nỗ lực hết mình vì doanh nghiệp.
-
Niềm tin là điều kiện đầu tiên để bắt đầu và hoàn thành mọi việc, không có niềm tin mọi kế hoạch và mục tiêu sẽ đổ vỡ, không có niềm tin thì không ai hào hứng bước chân vào 1 lối đi mới và bước đến cuối con đường. Nếu niềm tin chỉ là "tiền" thì mọi thứ sẽ đổ vỡ khi "hết tiền" mà không có cách nào vực dậy. Khi dư thừa doanh nghiệp bạn có thể không cần tới niềm tin, nhưng những lúc khó khăn sẽ thấy rõ điều đó hơn.
Làm những việc không có ý nghĩa
-
Tại sao các tổ chức xã hội dễ dàng huy động nguồn lực và sự đóng góp của đông đảo người dân? Tại sao có những người sẵn sàng bỏ tiền bạc, thời gian, công sức thậm chí tính mạng để làm 1 điều họ cảm thấy có ý nghĩa mà không đòi hỏi bất cứ điều gì? Khi doanh nghiệp truyền cho nhân viên của mình 1 ý nghĩa nào đó tốt đẹp cho xã hội, họ sẽ nỗ lực nhiều hơn những thứ mà bạn kỳ vọng, một cách tự nguyện. Nếu công việc của họ vừa có tiền, vừa đem lại giá trị tốt đẹp cho xã hội thì công việc của nhà quản trị sẽ bớt đi rất nhiều gánh nặng.
Không thể hình thành được giá trị cốt lõi
-
Khi bạn còn mơ hồ về điều gì là đúng, điều gì là sai, điều gì nên, điều gì không nên làm trong doanh nghiệp thì chắc chắn không thể có bất cứ giá trị nào được thực hành rộng rãi ở đội ngũ nhân sự. Những tuyên bố hùng hồn về giá trị cốt lõi khi đó không chỉ không có tác dụng mà nó còn tạo nên phản ứng ngược đối với đội ngũ nhân sự và khách hàng, họ sẽ cho rằng đó là sự khoe khoang, khoác lác, hoặc giả tạo. Văn hóa doanh nghiệp khi đó sẽ không thể được hình thành, cho dù bạn có hô hào đến thế nào.
2. Coi nhẹ việc phát triển Tầm nhìn & Mục tiêu chiến lược
Không có định hướng nên bước đi dò dẫm, chậm chạp
-
Nếu đi từ nhà xuống bếp, bạn có thể nhắm mắt bước đi mà chẳng cần nhìn, hoặc đi đến những nơi quen thuộc, bạn chẳng cần quá bận tâm xem nên đi lối nào, cứ xuống đường và bước đi là sẽ tới. Nhưng khi các lối đi và điểm đến bị bao phủ bởi sương mù dày đặc hoặc vùi lấp trong 1 trận động đất, bạn cần xác định lại đúng nơi mình cần đến và tìm kiếm con đường để đi tới đó. Nếu bạn không định hướng rõ mà cứ bước đi, rất có thể khi tới đích bạn cũng nhận ra rằng: nơi đó đáng ra không nên đến.
Khó có thể tập hợp nỗ lực cả hệ thống vào cùng 1 mục tiêu
-
Ngay cả khi bạn biết rất rõ điểm đến là khung thành của đối phương thì việc ghi bàn cũng chưa bao giờ là điều dễ dàng, nó cần sự nỗ lực ăn ý của cả đội ngũ. Điều gì xảy ra khi đội ngũ ấy không biết mình phải hướng về đâu? Họ có còn phối hợp ăn ý, hỗ trợ bọc lót cho nhau để cùng giành chiến thắng? Điều đó chắc xảy ra trong suy nghĩ nhiều hơn là thực tế, đúng hơn là "trong mơ".
Thường bị vấp và khó có thể đi xa
-
Khi không biết rõ đâu là nơi cần đến, doanh nghiệp sẽ dễ dàng rơi vào những cái bẫy dọc đường, vấp ngã nhiều sẽ khiến đội ngũ nản lòng và muốn dừng lại hoặc buộc phải dừng lại.
Thường tham bát, bỏ mâm
-
Khi không có mục tiêu chiến lược để giữ sợi dây kết nối với sứ mệnh và tầm nhìn, doanh nghiệp có thể sẽ sa đà vào những thứ trước mắt mà quên đi những thứ lớn lao hơn. Doanh nghiệp sẽ không mấy mặn mà với suy nghĩ thả con săn sắt, bắt con cá rô.
3. Coi nhẹ việc củng cố thêm hoặc đổi mới Giá trị cho khách hàng
Hình ảnh thương hiệu nghèo nàn dần trong mắt khách hàng
-
Tại Hoa Kỳ, 78% người tiêu dùng từ bỏ giao dịch vì lý do trải nghiệm dịch vụ kém, và thường họ sẽ không nói cho doanh nghiệp bạn biết điều đó. Nếu không quan tâm đủ tới khách hàng, doanh nghiệp sẽ chỉ biết được điều đó khi khách hàng rời bỏ.
Sự trung thành khách hàng suy giảm
-
Với rất nhiều lựa chọn thay thế, khách hàng ngày nay không còn trung thành một cách mù quáng, họ sẽ trung thành một cách khôn ngoan, nó sẽ suy giảm nhanh chóng nếu doanh nghiệp không liên tục củng cố giá trị cho họ.
Khách hàng rời bỏ sang với đối thủ hoặc sản phẩm thay thế
-
Rất ít doanh nghiệp có được những lợi thế cạnh tranh bền vững, thường những lợi thế sẽ được bắt chước rất nhanh, nếu doanh nghiệp không nhạy bén để giữ chân khách hàng, rất có thể họ sẽ tìm đến với đối thủ của bạn.
4. Coi nhẹ việc phát triển năng lực nhân sự
Năng lực nhân sự dần suy giảm do không rèn rũa liên tục
-
Những kĩ năng của nhân sự sẽ suy giảm nếu không có môi trường để thúc đẩy thường xuyên, doanh nghiệp sẽ không thể đảm bảo mọi năng lực mà nhân viên muốn phát triển đều có trong công việc họ đang làm.
Năng lực mới khó có điều kiện được hình thành
-
Năng lực mới có thể được hình thành thông qua thay đổi công việc hoặc học hỏi lẫn nhau trong doanh nghiệp, nhân sự khó có thể tự làm điều đó nếu không có cơ chế thúc đẩy và khuyến khích từ những nhà điều hành.
Khả năng cạnh tranh suy giảm
-
Năng lực nhân sự giảm không chỉ làm cho hiệu suất làm việc của họ giảm mà còn ảnh hưởng tới mọi năng lực cạnh tranh khác của doanh nghiệp: sự đổi mới, tính sáng tạo, khả năng thích ứng với sự thay đổi, khả năng đáp ứng khách hàng, khả năng cải tiến sản xuất, khả năng thu hút đối tác...
Nhân sự giỏi hoặc cầu tiến sẽ rời bỏ
-
Nhân sự có tư duy phát triển luôn muốn một môi trường công việc tích cực và có tính thách thức cao, họ luôn có tinh thần học hỏi và nâng cấp. Với đội ngũ lao động tri thức, đó là yếu tố giữ chân họ quan trọng hơn yếu tố tài chính.
Khó có thể tuyển được nhân sự tốt
-
Nhân sự tốt sẽ chỉ đến với doanh nghiệp khi họ thấy môi trường có thể giúp họ phát triển, không chỉ phát triển kinh tế mà cả những yếu tố hỗ trợ cho sự nghiệp lâu dài của họ: năng lực, mối quan hệ, vị thế xã hội...
5. Coi nhẹ việc phát triển văn hóa
Sự gắn kết nội bộ kém
-
văn hóa như chất keo gắn kết nhân sự với nhau; nó giúp họ hiểu triết lý, sứ mệnh của doanh nghiệp và hiểu lẫn nhau.
Hình thành nhiều Silo trong nội bộ
-
Do nhu cầu kết nối xã hội, nhân sự sẽ tự do hình thành những nhóm tiểu văn hóa; khi văn hóa doanh nghiệp ít được quan tâm, văn hóa ở các nhóm này có thể mâu thuẫn, gây cản trở, thậm chí chống lại sự phát triển của doanh nghiệp. Những nhóm tiểu văn hóa thường hình thành trong các bộ phận chức năng ít có sự liên kết với bên ngoài, nó gọi là các SILO.
Gia tăng các mâu thuẫn nội bộ cả trong và ngoài công việc
-
Khi các Silo hình thành, sự thiếu gắn kết sẽ càng trở nên trầm trọng, mâu thuẫn nội bộ sẽ ra tăng và khó tự dung hòa; những mâu thuẫn không được dung hòa đó tiếp tục củng cố các SILO làm ảnh hưởng tiêu cực tới hiệu quả hoạt động chung của doanh nghiệp.
Không thu hút được sức mạnh tập thể của các cá nhân
-
Doanh nghiệp khác hình thức tổ chức kinh doanh khác ở tính mục đích và sự phối hợp giữa nhiều cá nhân, khi lợi ích nhóm và cá mâu thuẫn tồn tại rất khó có thể tạo ra sức mạnh cộng hưởng của tập thể. Điều đó làm cho doanh nghiệp mất đi ưu thế của sự hợp tác.
Hiệu suất làm việc kém, đặc biệt các nhiệm vụ liên chức năng
-
Sự hợp tác chỉ có ưu thế khi tạo được cộng hưởng, khi đó hiệu suất tổng thể sẽ vượt xa hiệu suất của từng cá nhân cộng lại; khi thiếu liên kết, hiệu suất chung của hợp tác thậm chí còn thấp hơn hiệu suất từng người cộng lại.
6. Không xem xét kĩ lưỡng vấn đề thị trường và cạnh tranh
Không đánh giá đúng năng lực của đối thủ
-
Người xưa thường nói "biết người biết ta - trăm trận trăm thắng", không biết đủ về đối thủ sẽ làm giảm cơ hội thắng và tăng nguy cơ thất bại của doanh nghiệp
Không dự đoán chính xác sự biến động của thị trường
-
Tầm nhìn và mục tiêu của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhận định về tương lai của thị trường, khi nhận định thiếu chính xác, doanh nghiệp có thể sai định hướng, cố làm tốt một thứ đang ra không nên làm.
Không lường trước được sự ra nhập của đối thủ mới
-
Với sự hỗ trợ của công nghệ, sự mở cửa kinh tế và sự kết nối tri thức, rào cản ra nhập và rút lui khỏi các ngành không còn là thách thức với những người mới, đặc biệt, với những đối thủ có nền tảng tốt về vốn, con người, công nghệ, văn hóa và khả năng quản lý. Việc phân tích và hiểu về đặc thù ngành và biến động liên tục của nó giúp doanh nghiệp phần nào đánh giá được và chủ động hơn trong phản ứng với những người ra nhập mới.
Không dự đoán được hành động của các đối thủ
-
Khi doanh nghiệp ít quan tâm tới chiến lược, họ sẽ không chủ động cho việc tổ chức hệ thống thông tin chiến lược theo dõi các hành động của đối thủ để có thể chủ động phản ứng. Nếu chỉ dự đoán hành động của đối thủ dựa trên những thông tin kém giá trị, sẽ rất nguy hiểm.
Luôn bị động trong cạnh tranh
-
Khi hệ thống thông tin chiến lược yếu, mọi hành động của doanh nghiệp dù là tấn công, phòng thủ hay đổi mới đều khó có thể chủ động.
Không kịp trở tay trước những nguy cơ
-
Nguy cơ đến từ nhiều phía, cả bên ngoài lẫn bên trong: thị trường; khách hàng; đối thủ hiện tại; đối thủ tiềm ẩn; nhân sự...đều có thể khiến cho doanh nghiệp không kịp trở tay khi không dành đủ sự quan tâm.
Khi xảy ra đối đầu với đối thủ mạnh, sẽ thất bại nhanh chóng và nặng nề
-
Đối thủ mạnh có thể là người mới vào hoặc đối thủ hiện tại với năng lực tốt và khả năng đổi mới; giống như 1 đội đặc nhiệm được huấn luyện khắc nghiệt, họ biết cách để hạ đối thủ một cách nhanh gọn khi họ biết rằng đối thủ đó quá "yếu" so với họ. Khi thất bại bất ngờ, doanh nghiệp chỉ có thể trông chờ đối thủ "nương tay", nhưng đó cũng là sự may rủi.
7. Không thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Không có sự cải tiến, đổi mới, sáng tạo trong công việc
-
Đổi mới sáng tạo phát huy giá trị mạnh mẽ khi nó trở thành văn hóa được thấm nhuần chứ không phải sự hô hào tự phát. Ngay cả khi được thúc đẩy và khuyến khích thì đổi mới sáng tạo cũng chưa chắc đã tạo ra được ngay giá trị, huống chi không được thúc đẩy và quan tâm.
Nhân sự luôn thụ động trước các nhiệm vụ
-
Đối với các nhiệm vụ mới hoặc yêu cầu mới của nhiệm vụ, nếu không được hướng dẫn và khuyến khích đúng cách, nhân sự cũng sẽ "ngại" chủ động. Nếu doanh nghiệp không chấp nhận cho phép nhân viên có thể "sai" và thúc đẩy họ "học tập" thông qua sai lầm thì không bao giờ họ muốn "chủ động".
Khó có thể triển khai những thay đổi trong tổ chức
-
Khi nhân sự không muốn hoặc chống lại sự thay đổi, bất cứ điều gì mới mẻ cũng trở nên quá "đáng ghét" với họ. Doanh nghiệp sẽ không thể áp đặt được sự thay đổi, vì ngay khi hết áp đặt nó lại trở về vị trí ban đầu giống như 1 quả bóng bị nén lại. Chiến lược mới đòi hỏi rất nhiều sự thay đổi, nếu không thể thực hiện được sự thay đổi thì không thể làm chiến lược hiệu quả.
Khó thúc đẩy được sự tự nỗ lực của nhân sự hướng tới sự xuất sắc
-
Sự xuất sắc chỉ có được khi liên tục nhìn lại và sẵn sàng điều chỉnh, cải tiến thậm chí phá cũ làm mới để trở nên tốt hơn. Điều này chỉ có được khi nhân sự có mong muốn, chủ động và được tạo điều kiện phát triển; không có đồng thời những thứ đó, rất khó có sự kì diệu xảy ra.