ĐÃ LÀ DOANH NHÂN - PHẢI BIẾT TỰ HỌC
Hotline: 0342.859.802
TỰ HỌC
TỰ HỌC Là triết lý và phương pháp chúng tôi sử dụng trong tất cả các chương trình
CHỦ ĐỘNG
CHỦ ĐỘNG Là yêu cầu bắt buộc với mọi tối tượng tham dự chương trình của chúng tôi
ĐỒNG KIẾN TẠO
ĐỒNG KIẾN TẠO Là cách thức chúng tôi xây dựng và phát triển các nội dung của mình
HỆ THỐNG
HỆ THỐNG Sự nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các nội dung là đặc trưng của chúng tôi

Giáo trình ngành quản trị kinh doanh chuẩn quốc tế

10/10/2022 | Đăng bởi: BizPub.vn

Trong nền kinh tế hội nhập, Giáo dục - Đào tạo là lĩnh vực được các quốc gia đặc biệt coi trọng và luôn đặt ưu tiên hàng đầu. Không phải tự nhiên mà những quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh như Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản lại có những trường đại học hàng đầu. Một logic đúng hơn có lẽ là chính những cái nôi đào tạo hàng đầu đó tạo nên sự hùng mạnh của quốc gia. Hãy nhìn vào một sự thật, các quốc gia không có những trường kinh doanh mạnh cũng thường là những quốc gia có nền kinh tế lạc hậu và chậm phát triển. Do vậy, ở một khía cạnh nào đó, năng lực đào tạo nói chung và đào tạo quản trị kinh doanh nói riêng của một đất nước sẽ quyết định sức mạnh kinh tế của đất nước đó. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cùng bạn nhìn lại về lĩnh vực đào tạo quản trị kinh doanh tại Việt Nam; đặc biệt nhấn mạnh tới vai trò của các nguồn tài nguyên học tập.

1. Bối cảnh đào tạo quản trị kinh doanh tại Việt Nam

Đào tạo về kinh doanh tại Việt Nam là lĩnh vực vô cùng sôi động; điều đó là kết quả tất yếu của một nền kinh tế đang ngày càng hội nhập sâu rộng. Tương lai nền kinh tế tạo ra rất nhiều cơ hội cho lĩnh vực đào tạo kinh doanh ở mọi cấp độ, nhưng cũng vô cùng thách thức khi những đòi hỏi về tính quốc tế hóa và tính ứng dụng ngày càng cao. Những điều đó đều không phải lợi thế của đại bộ phận những người làm đào tạo về kinh doanh tại Việt Nam. 

A. Vấn đề giảng dạy quản trị kinh doanh

Mặc dù có nhiều trường đại học và chương trình đào tạo về quản trị kinh doanh, nhưng Việt Nam vẫn là 1 vùng trũng của thế giới về đào tạo quản trị kinh doanh.

Hầu hết các chương trình đều cóp nhặt các kiến thức từ các trường lớn trên thế giới và lắp ghép thành chương trình đào tạo mà không có triết lý và phương pháp thiết kế chương trình rõ ràng. Các khối kiến thức được lắp ghép một cách khiên cưỡng với không ít môn học rất trend nhưng nội dung thì chẳng mấy liên quan, nhiều nội dung cần thì không có mà có thì không cần.

Việc tổ chức đào tạo hầu hết đều theo phương pháp truyền thống - lấy giảng viên làm trung tâm với cách tiếp cận hành vi thụ động, không có sự chuẩn bị trước khi lên lớp cũng không quản lý hoạt động thực hành hoặc nghiên cứu sau khi rời khỏi lớp học.

Lớp học được tổ chức tập trung vào hiệu quả triển khai mà ít quan tâm tới chất lượng đào tạo với số lượng đông và đẩy kiến thức theo kiểu sản xuất hàng loạt mà ít quan tâm tới sự cá nhân hóa và kết quả cho từng người học.

Hệ thống học liệu hầu hết đều rất sơ sài, ít được đầu tư và không đủ đáp ứng được nhu cầu tự học và tự nghiên cứu của học viên, hầu hết học liệu đều giao cho giảng viên tự biên soạn theo quan điểm cá nhân, có rất nhiều sự không đồng bộ khi kết hợp chúng trong cùng 1 chương trình.

Đội ngũ giảng dạy hầu hết không được đào tạo bài bản từ các trường kinh doanh lớn trên thế giới; không được rèn luyện chuyên sâu về phương pháp giảng dạy; rất nhiều trong số đó gắn mác doanh nhân thành công để thuận tiện cho quá trình tuyển sinh. Điều này rất nguy hiểm cho người học, họ có thể cung cấp 1 nhận thức sai; những bài học hoặc kinh nghiệm họ chia sẻ (nếu có) không giúp tạo nền tảng tư duy cho người học để giải quyết vấn đề mới trong thực tiễn kinh doanh.

B. Vấn đề học quản trị kinh doanh

Người kinh doanh ở Việt Nam phần lớn không được đào tạo ở những nơi đào tạo kinh doanh uy tín. Họ cũng ít được tiếp cận với tri thức và học hỏi cách làm kinh doanh tiến bộ trên thế giới. Họ cũng khó tự tiếp cận các kiến thức quản trị kinh doanh chuẩn mực do không có nền tảng để tự thẩm định và những hạn chế về ngôn ngữ.

Các lãnh đạo doanh nghiệp ít được học theo phương pháp học tập tiến bộ lấy người học làm trung tâm, vẫn cho rằng hình thức đào tạo lấy giảng viên làm trung tâm theo truyền thống còn hiệu quả; thực tế các trường B-School trên thế giới đã bỏ cách đào tạo người lớn này từ lâu.

Người học tại Việt Nam chưa có nền tảng về tư duy phản biện và học tập chủ động cũng như khả năng tự nghiên cứu, phần lớn họ rất thụ động trong quá trình tham gia trên lớp, ngồi nghe giảng viên truyền thụ kiến thức 1 chiều và rất ít có những phản biện về chuyên môn.

Người học tại Việt Nam thường nghĩ sự học tập là "nhàn" và có thể tìm được "bí quyết thành công" từ một ai đó (giảng viên, chuyên gia) để áp dụng ngay cho doanh nghiệp mình, nhưng họ thường thất vọng.

Người học Việt Nam trọng bằng cấp, sự hào nhoáng hơn những tri thức thực sự nhận được nên thường quyết định tham dự các chương trình dựa trên tên tuổi, xếp hạng, thương hiệu giảng viên mà ít quan tâm tới chất lượng thực sự của chương trình.

Những điều này tạo điều kiện cho các bên cung cấp dịch vụ dùng các chiêu trò marketing không lành mạnh đánh vào tâm lý muốn nhanh, muốn dễ, tham lam, fomo của người học với những khẩu hiệu kêu gọi hành động vô cùng hấp dẫn và vô cùng phản giáo dục: cam kết X2, X10; trao bí quyết, trao công thức, lập bản đồ thành công....

2. Tầm quan trọng của nguồn tài nguyên học tập

Muốn xây dựng đội ngũ doanh nhân có năng lực vững vàng, tự tin trước mọi thách thức của hội nhập và kinh tế số, việc xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo về kinh doanh thực sự chất lượng vô cùng quan trọng. Để có được các chương trình đào tạo chất lượng; ngoài chất lượng của đội ngũ giảng dạy; một phần quan trọng khác là giáo trình và bộ tài liệu học tập, phương pháp giảng dạy và khả năng đưa các vấn đề thực tiễn vào bài học để đúc kết thành những kiến thức có thể sử dụng. Tất cả những điều này ở Việt Nam đều đang rất yếu.  

Lớp đào tạo truyền thống Việt Nam

3. Làm thế nào để có giáo trình quản trị kinh doanh chất lượng

Để có được bộ tài liệu giảng dạy kinh doanh chuẩn quốc tế, vừa đảm bảo tính học thuật, vừa đảm bảo tính thực tiễn và phù hợp với bối cảnh nền kinh tế, không chỉ đòi hỏi khả năng viết mạch lạc mà điều quan trọng hơn là tri thức kinh doanh chuẩn quốc tế và sự thấu hiểu hoạt động kinh doanh. Điều đó đối với phần lớn đội ngũ tác giả tại Việt Nam là vô cùng khó. Nền kinh tế Việt Nam mới chỉ bắt đầu hội nhập vào kinh tế thế giới trong một thời gian ngắn (từ năm 1986), trên đấu trường quốc tế chúng ta có thể coi là non trẻ. Các chương trình đào tạo kinh doanh tại Việt Nam đã có từ lâu nhưng đa phần được thiết kế phục vụ cho bối cảnh nền kinh tế với độ mở nhỏ, các doanh nghiệp phần lớn vẫn bị chi phối rất nhiều bởi nhà nước, sự hội nhập chưa thực sự mạnh mẽ như hiện tại. Đội ngũ giảng dạy và cũng là nòng cốt của đội ngũ viết giáo trình ít được đào tạo trong môi trường kinh doanh hàng đầu thế giới; không có nhiều kinh nghiệm thực tế về kinh doanh quốc tế và trong nước. Do vậy, tính quốc tế hóa trong các tài liệu giảng dạy vẫn còn rất thấp.

Kinh doanh là một lĩnh vực liên tục thay đổi, sự thay đổi này dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế - xã hội. Do vậy, những kiến thức về kinh doanh cần liên tục được cập nhật. Đối với doanh nghiệp Việt, trong bối cảnh công nghệ 4.0 và sự hội nhập mạnh mẽ ngày nay. Việc phải đối mặt với những đối thủ cạnh tranh quốc tế không còn là điều gì xa lạ; họ có thể gặp những doanh nghiệp hàng đầu thế giới tại bất kì đâu: tại thị trường hiện tại của mình hay tại một thị trường mới nào đó. Để có thể cạnh tranh, điều kiện cần là doanh nghiệp Việt phải được trang bị những tri thức về kinh doanh theo chuẩn quốc tế. Điều này diễn ra nhanh ngày nào thì nền kinh tế bớt rủi ro ngày ấy.

Giảng dạy kinh doanh có đặc thù riêng, để kiến thức quản trị có thể vận dụng trên thực tế, quá trình đào tạo cần đưa người học vào các môi trường giả định hoặc thông qua mô phỏng (simulation) hoặc giải quyết các tình huống thực tiễn thông qua nghiên cứu tình huống (case study). Tại Việt Nam, chưa có một đơn vị hoặc cá nhân nào có khả năng xây dựng được những nội dung giảng dạy này đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu. Đây là một thiệt thòi vô cùng lớn đối với người học.

4. Lối thoát cho việc thiếu tài nguyên giảng dạy chất lượng

Tuy nhiên, những khó khăn thách thức này không phải không có hướng giải quyết. Hiện nay, các trường đào tạo kinh doanh hàng đầu (B-School), các học giả hàng đầu đã kết hợp với các nhà xuất bản uy tín để xây dựng những bộ giáo trình và tài liệu giảng dạy về kinh doanh đúc kết các tri thức kinh doanh xưa-nay ở các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Châu Âu….

Nếu các trường và đội ngũ giảng dạy cuả Việt Nam dám bỏ cái tôi của mình, cống hiến cho quốc gia dân tộc, chấp nhận học hỏi, kế thừa và điều chỉnh bổ sung để những tri thức tinh hoa nhân loại về quản trị kinh doanh đó được chấp nhận và phổ biến rộng rãi cho cộng đồng người học kinh doanh tại Việt Nam; có lẽ khoảng cách giữa chúng ta và những quốc gia hàng đầu sẽ rút ngắn được rất nhiều, ít nhất về mặt nhận thức.

giáo trình đào tạo kinh doanh

Thế hệ trẻ của Việt Nam ngày nay được tiếp cận nhũng môi trường giáo dục hàng đầu khá dễ dàng; với khả năng học tập và GEN thông minh của người Việt; đã có rất nhiều bạn trẻ tham gia học tập và làm việc tại các doanh nghiệp hàng đầu thế giới; họ là những người vừa có tri thức nền tảng quốc tế hóa, vừa am hiểu môi trường kinh doanh quốc tế. Họ là những người có thể đóng góp cho nền giáo dục nước nhà thông qua việc giảng dạy hoặc hợp tác giảng dạy. Vấn đề lớn nhất vẫn là chúng ta – những trường đại học, những người giảng dạy có dám “mở lòng” để đón nhận hay không?

BizPub.vn

Gửi bình luận: