Lựa chọn chiến lược kinh doanh
07/12/2023 |Lựa chọn chiến lược có thể coi là bước quan trọng nhất trong giai đoạn lập kế hoạch chiến lược, đây là quá trình phát triển các sáng kiến chiến lược phù hợp nhất để thực hiện tầm nhìn và mục tiêu chiến lược đã đặt ra trước đó. Nếu như Tầm nhìn và mục tiêu chiến lược là định hướng và điểm cần đến, thì chiến lược được chọn sẽ là lối đi (con đường) trong kinh doanh; kết quả của bước này là một chiến lược được lựa chọn (con đường chiến lược sẽ đi). Để đảm bảo thành công trong giai đoạn thực thi (đi đến đích), chiến lược lựa chọn này cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan và theo các chỉ dẫn rất rõ ràng. Nếu không có chỉ dẫn, doanh nghiệp rất có thể sẽ "lạc lối" và không bao giờ đến đích.
Trên thế giới có nhiều chỉ dẫn cho việc lựa chọn con đường chiến lược. Tuy nhiên, cũng giống những người chỉ đường, có những người không biết đường cũng chỉ. Nếu không cẩn thận, các doanh nghiệp sẽ gặp phải những chỉ dẫn như vậy, kết quả khi đi theo những chỉ dẫn đó chắc chúng ta đều hình dung ra.
Để đưa ra quyết định phù hợp với doanh nghiệp, quan trọng không phải những chỉ dẫn của người khác, mà điều cốt yếu là doanh nghiệp cần hiểu được mình có những lựa chọn nào, từng lựa chọn đó có gì phù hợp, có gì không? Thông qua cái nhìn bao quát và sâu sắc về nó, doanh nghiệp sẽ tự lựa chọn con đường đi phù hợp nhất.
Nội dung dưới đây sẽ giới thiệu những con đường chiến lược mà hầu hết các doanh nghiệp tiến bộ trên thế giới sử dụng làm căn cứ cho các lựa chọn của mình, từ doanh nghiệp dẫn đầu đến những người mới vào đều có thể tham khảo để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho doanh nghiệp mình.
03 Chiến lược cạnh tranh cơ bản
3 chiến lược cạnh tranh cơ bản có lẽ là những con đường chiến lược được thế giới biết đến nhiều nhất, nó được phát triển bởi người được mệnh danh là "cha đẻ của chiến lược cạnh tranh - Michael Porter". Mặc dù một số con đường chiến lược mới được phát triển giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn chiến lược, nhưng 3 con đường của Porter là những lựa chọn chiến lược "không thể không đi qua" với bất kì doanh nghiệp nào.
- Chiến lược Chi phí thấp
- Chiến lươc Khác biệt hóa
- Chiến lược Tập trung
03 Chiến lược đổi mới sáng tạo
Nền kinh tế bước vào giai đoạn mới với nền tảng công nghệ đột phá và tri thức, cùng với sự mở rộng hội nhập của các quốc gia. Các mô hình kinh doanh mới ra đời, lối đi mới liên tục được khám phá giúp doanh nghiệp đi sau có thể đạt được những thành tựu ngoạn mục và vượt lên phía trước; nhóm doanh nghiệp đi theo con đường này chúng tôi xếp vào nhóm các "chiến lược đổi mới sáng tạo". Đặc điểm chung của những lựa chọn này là dựa trên những sáng kiến đổi mới để tiên phong tiếp cận 1 thị trường với ít sự cạnh tranh hơn (Chan Kim - Renée Mauborgne), hoặc tiếp cận 1 thị trường đã bị bỏ qua và bằng cách đổi mới để tạo vị thế nền tảng bứt phá gây gián đoạn những phần còn lại (Clayton Christensen).
- Chiến lược Đại dương xanh
- Chiến lược Đổi mới đột phá
- Chiến lược Đổi mới không phá vỡ
03 Chiến lược lấy nhân viên làm trung tâm
Con người là trung tâm của mọi hoạt động của doanh nghiệp, là nguồn gốc của mọi năng lực cạnh tranh, nhưng thường bị coi nhẹ. Trong bối cảnh kinh doanh ngày nay, do nhu cầu cao về sự đổi mới sáng tạo và học hỏi liên tục trong hoạt động cũng như nhận thấy giá trị từ khả năng khổng lồ của con người nếu được kích hoạt đúng cách, đặc biệt là những lao động tri thức; các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến điều này. Tuy nhiên, những vấn đề liên quan tới con người chưa bao giờ là dễ dàng, để lựa chọn 1 con đường chiến lược tập trung vào con người nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh đòi hỏi doanh nghiệp phải cân nhắc thận trọng, phần lớn nó là lựa chọn đánh đổi, tức là doanh nghiệp sẽ cần từ bỏ một số thứ và không được phép làm một số thứ khác.
Những con đường chiến lược này là khó đi, đặc biệt với những doanh nghiệp ưu tiên lợi ích tài chính ngắn hạn để định hướng mọi thứ. Nhưng, nếu đi thành công trên định hướng này, doanh nghiệp có thể gặt hái nhiều trái ngọt không chỉ trong kinh doanh, giống như trồng được một cây trường sinh trên mảnh đất của mình.
Tư tưởng chung của các chiến lược này là tập trung trọng tâm vào phát triển lợi thế cạnh tranh cốt lõi về con người. Quan điểm trong kinh doanh này đã hình thành từ lâu, nhưng các chỉ dẫn cụ thể cho lựa chọn chiến lược thì chưa có nhiều, chúng tôi đã nghiên cứu và tổng hợp 3 quan điểm theo con đường chiến lược này để các doanh nghiệp tìm hiểu và tham khảo. Các con đường chiến lược này được phát triển từ sự đúc kết thành công của những doanh nghiệp hàng đầu thế giới của Mỹ (Costco); Trung Quốc (Haier); Ấn Độ (HCL Technology)
- Chiến lược Việc làm tốt
- Chiến lược Nhân viên là đối tác
- Chiến lược Nhân viên thứ nhất - Khách hàng thứ hai
03 Chiến lược cứng rắn - Chơi để giành chiến thắng
Thực tế cạnh tranh đôi khi rất khắc nghiệt, nó khiến cho các doanh nghiệp khó có thể tồn tại yên ổn khi "nhẹ tay" với đối thủ; doanh nghiệp phải lựa chọn 1 là hạ gục đối thủ, 2 là bị đối thủ hạ gục. Trong những tình huống này, sự cứng rắn cần được thể hiện, không chỉ trong tư tưởng nhà lãnh đạo mà trong cả chiến lược doanh nghiệp lựa chọn. Tư tưởng này có trong quan điểm của nhiều nhà quản trị, nó được phát triển mạnh như những chỉ dẫn bởi George Stalk - nhà chiến lược tại BCG. Dưới đây là 3 con đường chiến lược các doanh nghiệp có thể lựa chọn để thực hiện điều đó.
- Chiến lược tấn công đối thủ
- Chiến lược lôi kéo đối thủ vào vùng nguy hiểm
- Chiến lược phòng thủ
Chiến lược cho doanh nghiệp đa ngành
Phần trên đã trình bày về các lựa chọn chiến lược cho doanh nghiệp trong khuôn khổ 1 ngành kinh doanh. Đối với doanh nghiệp đa ngành, ngoài các chiến lược ở từng ngành, điều quan trong hơn là cần có những quyết định chiến lược ơ phạm vi bao trùm tất cả các ngành kinh doanh. Ở cấp độ cao nhất, mối quan tâm lớn của doanh nghiệp đa ngành là làm thế nào để tối ưu hóa những nguồn lực (chung, riêng mỗi ngành) của doanh nghiệp khi nó bị phân tán ra các ngành mà bản thân các ngành đó có khi chẳng có sự liên quan. Một quyết định quan trọng khác là, doanh nghiệp cần quyết định nên rút khỏi ngành cũ hay tham gia 1 ngành kinh doanh mới hay không? Đây là những quyết định cần được tính toán cân nhắc kĩ lưỡng. Dưới đây là một số lựa chọn chiến lược cho công ty đa ngành.
- Chiến lược đa dạng hóa
- Chiến lược tái cấu trúc
---
Để có lựa chọn tốt nhất về con đường chiến lược doanh nghiệp sẽ theo đuổi, ngoài xem xét các phương án chiến lược, doanh nghiệp cần cân nhắc thêm yếu tố thời điểm và thời gian của từng chiến lược để nó có thể phát huy hiệu quả tốt nhất.