Marketing #06: Marketing có tạo ra nhu cầu của thị trường không?
20/10/2022 |Marketing thường được định nghĩa là thỏa mãn nhu cầu và mong muốn của khách hàng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng hoạt động Marketing đi xa hơn thế, nó có thể tạo ra những nhu cầu và mong muốn mà trước đây chưa từng tồn tại. Họ nhận thấy các nhà Marketing có thể khuyến khích người tiêu dùng chi nhiều tiền hơn mức họ cần cho hàng hóa và dịch vụ mà họ không thực sự cần: quan sát đồng nghiệp, bạn bè quanh mình, bạn sẽ không khó tìm thấy những tín đồ Shopee được các Shiper coi như "người thân" vì "gặp gỡ" quá nhiều.
Điều đó có thể giải thích như sau:
Với lượng lớn thông tin có sẵn cho các nhà Marketing ngày nay và xu hướng tập trung vào Marketing mối quan hệ, các nhà Marketing có nhiều cơ hội hơn để đưa ra những gợi ý nhu cầu và mong muốn tới công chúng. Chắc chắn rằng không phải mọi người tiêu dùng đều có tất cả nhu cầu của xã hội. Tuy nhiên, sự tiếp xúc rộng rãi với những nhu cầu và mong muốn của xã hội thông qua các phương tiện truyền thông, một lượng lớn người tiêu dùng thấy được những thứ "người khác có mà họ không có" và vô tình họ đã bị "nhiễm" những nhu cầu và mong muốn của người khác.
Ngoài ra, các nhà Marketing đã tìm cách làm tăng áp lực tới người mua hàng thông qua bạn bè và các nhóm ảnh hưởng, họ hiểu rằng khi phải chống lại các "quy tắc ngầm định", các cá nhân sẽ trở nên "mềm yếu" trước các quyết định của họ.
Những điều này được các nhà Marketing ở Việt Nam thường xuyên lợi dụng để bán những thứ khách "không thực sự cần" - đây là phạm trù đạo đức.
Ở một góc độ khác: Thông qua Internet, khách hàng cũng có nhiều quyền lựa chọn hơn và có thể và thực hiện các quyết định sáng suốt dựa trên nhiều dữ liệu hơn. Khi khách hàng nhận thức được rằng các nhà Marketing "cố tình" gây ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của mình thông qua việc hạn chế quyền tự do lựa chọn và đề xuất các sản phẩm dịch vụ "không phù hợp", họ có thể chống lại.
BizPub.vn