Mục tiêu là gì? Tại sao cần mục tiêu?
31/10/2022 |Có rất nhiều cách hiểu cũng như cách diễn đạt khác nhau về mục tiêu (Goal); một số từ thường được dùng với ý nghĩa tương tự như: mục đích, tham vọng, lý tưởng, ý định, kết quả, đối tượng, kế hoạch….
Có thể cụ thể, có thể mơ hồ, có thể xa hoặc gần, có thể đoán trước hoặc không đoán trước…tuy nhiên, tất cả những cách nói trên đều đề cập tới 1 hàm ý, đó là 1 thứ gì đó được mong muốn sẽ xảy ra ở tương lai.
Xét ở góc độ từ ngữ:
“Mục tiêu” hay “Goal” trong các từ điển “Webster”, “Oxford”, “Cambridge” là danh từ được sử dụng trong các môn thể thao như bóng đá; bắn cung;…để ám chỉ một nơi mà các đội bóng hoặc vận động viên cố gắng đưa bóng tới. Nó cũng được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội…để phản ánh và diễn đạt các vấn đề liên quan.
Trong thực tiễn kinh doanh: “Mục tiêu” được sử dụng như một công cụ quản lý giúp doanh nghiệp thực hiện việc tạo động lực tích cực cho nhân viên, thông qua đó làm tăng hiệu quả làm việc của nhân viên.
Nhiều nghiên cứu lý luận cũng như thực tiễn trên thế giới đã cho thấy một mối liên hệ rất chặt chẽ giữa “Mục tiêu” và “Kết quả”. Một “mục tiêu” hợp lý sẽ giúp gia tăng động lực làm việc và cải thiện hiệu quả. Tuy nhiên, một mục tiêu không hợp lý (quá lớn, quá nhỏ hoặc quá mơ hồ) sẽ dẫn tới điều ngược lại.
Rất nhiều triết lý, phương pháp, mô hình, công cụ đã ra đời xoay quanh cách tiếp cận “mục tiêu” như mô hình quản trị theo mục tiêu (MBO), KPI, OKR; các mô hình huấn luyện GROW; mô hình NLP; Nguyên tắc xây dựng mục tiêu SMART hay các phương pháp nghiên cứu khoa học đều tiếp cận theo “mục tiêu”… các bạn ạ.
Trên thực tế, có không ít tư tưởng không có khái niệm “mục tiêu” thậm chí chống lại, triết lý của đạo Phật là một ví dụ điển hình: theo đó, nguồn gốc khổ đau của con người là do “tham, sân, si”; để bớt khổ con người nên bớt “tham”, tập trung vào những thứ “hiện tại” và bớt vọng tưởng về “tương lai”.
Như vậy, có những quan điểm khác nhau về “mục tiêu”, không thể khẳng định đâu quan điểm sai. Tuy nhiên, có thể thấy rất rõ trong thực tiễn, việc thiết lập các mục tiêu phù hợp sẽ giúp định hướng và tạo động lực rất lớn để mỗi cá nhân hay tổ chức thực hiện được những điều mình “muốn”. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp áp dụng quản trị theo KPI, OKR đạt hiệu quả vượt trội so với không áp dụng; những cá nhân có mục tiệu rõ ràng có khả năng thành công (kết quả tài chính, kết quả học tập…) cao hơn những người khác. Chính vì điều này, cách tiếp cận mục tiêu trở nên phổ biến trong mọi lĩnh vực, trong đó có quản trị kinh doanh các bạn ạ.
Mục tiêu được hình thành một cách rất tự nhiên; khi con người phát sinh nhu cầu và mong muốn chưa được đáp ứng; họ sẽ có động lực để thực hiện nó. Mục tiêu được dùng để cụ thể hóa những nhu cầu mong muốn đó và biến nó thành những hành động cụ thể và có tổ chức.
Một ví dụ đơn giản để bạn có thể hình dung: Bạn là người có đam mê Du Lịch khám phá, bạn mong muốn một ngày sẽ chinh phục đỉnh Everet.
Nếu là người tiếp cận theo mục tiêu, bạn sẽ xem xét khả năng tài chính; tình hình công việc; thời gian làm việc; tình hình sức khỏe để xác định thời gian sớm nhất có thể thực hiện được điều này là 1,5 năm nữa. Bạn biết điều này chỉ thực hiện được nếu bạn thực sự nỗ lực làm việc chăm chỉ và tiết kiệm, đồng thời phải tích cực rèn luyện thể lực và thu xếp công việc để có thể xin nghỉ 1 tháng. Bạn bắt tay vào lên các kế hoạch chi tiết cho từng tháng, từng ngày về những công việc và thói quen sẽ thực hiện. Bạn kiên trì với các kế hoạch đặt ra và tìm đủ mọi cách hoàn thành chúng. Nếu kế hoạch bạn lập ra phù hợp và đều hoàn thành, 1,5 năm nữa bạn sẽ đến được với Everet.
Nếu là người không theo mục tiêu; bạn chỉ biết mình muốn chinh phục Everet mà không tự mình đặt ra những câu hỏi: thời gian nào sẽ làm điều đó? Làm điều đó bằng cách nào? Dù bạn cảm nhận thấy cảm giác chinh phục được đỉnh Everet sẽ rất tuyệt vời nhưng với khả năng và thói quen hiện tại bạn sẽ không thể thực hiện được điều đó, mà cần phải tiết kiệm được nhiều tiền hơn, tập luyện thể dục chăm chỉ để có sức khỏe tốt hơn, trong khi bạn thì lại không muốn bất cứ sự thay đổi nào. Khi đó, sẽ không thể dự đoán được 1,5 hay bao nhiêu lâu nữa bạn mới thực hiện được điều mình mong muốn.
Có nhiều cấp độ khác nhau, mục tiêu càng lớn thì càng bao quát, mơ hồ và không rõ ràng (nó được thể hiện trong sứ mệnh, tầm nhìn, tuyên bố giá trị, triết lý, định vị thương hiệu của doanh nghiệp). Để đạt được mục tiêu lớn, cần chia nhỏ chúng thành những mục tiêu nhỏ hơn và đảm bảo sự liên kết để việc hoàn thành các mục tiêu nhỏ sẽ giúp hoàn thành mục tiêu lớn (đó là cơ sở hình thành chiến lược, chương trình hành động, dự án, kế hoạch, các chỉ tiêu KPIs, OKRs…)
Ví dụ: Để leo lên đỉnh Everet, bạn cần tính toán và lên kế hoạch về đường đi, các điểm dừng chân, thời gian dừng chân và hoàn thành mỗi điểm dừng này theo đúng kế hoạch.
Điều mấu chốt trong việc thiết lập mục tiêu là mức độ phù hợp của mục tiêu: bạn không thể leo lên đỉnh Everet nếu không có đủ thể lực để hoàn thành quãng đường leo núi 5km. Bạn cũng không hào hứng thực hiện mục tiêu chạy 10km trong 1h khi bạn đã hoàn thành cự ly Full Marathon trong 3h.
Mục tiêu càng lớn, càng phức tạp thì việc chia nhỏ, lập kế hoạch thực hiện càng khó khăn và quan trọng. Khi đó, sự cam kết, tính kỉ luật là điều vô cùng cần thiết. Một sự sai xót trong thực hiện mục tiêu nhỏ có thể dẫn tới việc không hoàn thành các mục tiêu lớn. Một nhân viên kiểm soát đóng chai sản phẩm do lơ là đã không phát hiện có con ruồi trong 1 chai nước ngọt của công ty. Một thời gian sau, toàn bộ khách hàng đã quay lưng lại với công ty khiến công ty thiệt hại hàng ngàn tỉ và suýt chút nữa phá sản.
Đối với doanh nghiệp, mục tiêu chung của doanh nghiệp cần có sự liên kết chặt chẽ với mục tiêu của từng đơn bộ phận và cá nhân. Do vậy, muốn đạt hiệu quả trong việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu trong doanh nghiệp để vừa đảm bảo mục tiêu chung, vừa đảm bảo mục tiêu bộ phận và cá nhân không phải việc đơn giản. Trên thế giới, một số phương pháp và mô hình quản trị mục tiêu đang được các tổ chức hàng đầu áp dụng như OKR; KPI; BSC…tuy nhiên còn có rất nhiều vấn đề phát sinh mà các phương pháp này chưa giải quyết triệt để.
Đối với con người, người ta tin rằng khả năng con người là không giới hạn; nếu biết khai thác và phát huy đúng cách; con người sẽ tạo ra những kết quả mà không một phương pháp hay mô hình quản trị nào có thể dự đoán được. Bối cảnh thách thức hiện nay đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới; sáng tạo và hiệu quả hơn; việc khai thác tiềm năng con người trong quá trình xây dựng và thực hiện mục tiêu là điều các doanh nghiệp đang muốn hướng đến các bạn ạ.
BizPub.vn