Những vấn đề cốt yếu nhà quản lý hiện đại cần quan tâm
15/08/2022 |Doanh nghiệp hay bất kì tổ chức xã hội nào cũng giống như một cơ thể sống và hoạt động theo những quy luật nhất định.
Nếu như những cơ thể sống là cấu trúc của tự nhiên, thường hoạt động theo những quy luật của tự nhiên. Thì doanh nghiệp là một cấu trúc thường hoạt động theo những quy luật của xã hội, trong đó hầu hết các hoạt động đều xoay quanh đối tượng đó là “con người”. Trong nội dung bài này, chúng ta cùng phân tích những yếu tố quan trọng nhất đối với hoạt động doanh nghiệp, và đương nhiên đó cũng là mối quan tâm của những người “lãnh đạo, điều hành” doanh nghiệp - những nhà quản lý.
1. Chủ doanh nghiệp
Có nhiều cách gọi khác nhau khi nói về đối tượng này: ông bà chủ, cha đẻ, nhà sáng lập...hay theo cách gọi của quốc tế là founder, co-founder…. Họ là những người bằng cách này hay cách khác đã tạo ra doanh nghiệp và nuôi dưỡng chúng từ khi còn phôi thai trong ý tưởng, đến lúc đăng kí thành lập, xây dựng đội ngũ, tổ chức vận hành. Họ vạch ra sứ mệnh, chiến lược, kế hoạch; họ tạo dựng hình hài của doanh nghiệp và cách thức doanh nghiệp hoạt động. Họ là linh hồn của doanh nghiệp, tính cách, văn hóa hay bộ gen của doanh nghiệp đều mang hình bóng của họ. Sự tử tế hay những khát khao, nhiệt huyết…của doanh nghiệp được thể hiện qua cách những con người trong doanh nghiệp làm việc cùng nhau và làm việc với khách hàng đều được đâu đó mang tính cách của những con người này. Cũng vì thế, cái Tâm và Tầm của người tạo dựng sẽ hình thành nên vóc dáng của doanh nghiệp.
2. Khách hàng
Có nhiều khái niệm khác nhau xoay quanh đối tượng này: người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, người mua, người trả tiền,....khiến cho chúng ta đôi khi không biết ai mới là khách hàng. Khái niệm khách hàng không chỉ sử dụng cho những cá nhân, mà còn sử dụng để nói đến một nhóm người, một tổ chức, một doanh nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, khách hàng của doanh nghiệp là những người tác động lớn nhất tới quyết định mua hàng của doanh nghiệp. Đó có thể chỉ là 1 người: họ là người sử dụng và có quyền quyết định thứ mình muốn mua, có đủ tiền chi trả và có thể quyết định số phận số tiền ấy. Đó cũng có thể là 1 nhóm người với mối quan hệ tác động qua lại: người dùng sản phẩm, người thương lượng với nhà bán, người ra quyết định mua, người thanh toán, và những người gây ảnh hưởng tới những người này (vợ, con, bạn bè,...). Đó cũng có thể là một hệ thống được vận hành tự động bởi các thuật toán….
Đây là đối tượng bỏ tiền để mua sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp, thông qua đó giúp duy trì dòng chảy tiền trong doanh nghiệp. Ngoài phần vốn góp của chủ sở hữu, phần vốn đi vay của chủ nợ thì đây là phần đóng góp tiền cho doanh nghiệp bền vững nhất; do vậy khách hàng là đối tượng quan trọng nhất quyết định sự tồn tại và phát triển trong dài hạn của doanh nghiệp.
Trong kinh doanh hiện nay, do khách hàng không đồng nhất với 1 cá nhân, mà ngay cả khi khách hàng là 1 cá nhân thì yếu tố quyết định mua hàng của họ cũng không hoàn toàn chỉ phụ thuộc vào các đặc tính sản phẩm mà còn rất nhiều yếu tố khác, đó là một thách thức rất lớn. Nhà quản lý ngoài việc nắm rõ đặc thù sản phẩm còn cần thấu hiểu chân dung khách hàng, các yếu tố tác động tới hành vi mua hàng của khách hàng để có thể xây dựng hành trình khách hàng và chiến lược tương tác với khách hàng phù hợp thông qua sự kết hợp giữa xây dựng thương hiệu, truyền thông marketing, bán hàng và chăm sóc khách hàng.
3. Nhân viên
Nhân viên là cách gọi chung cho người làm việc tại doanh nghiệp, chúng tôi không phân biệt cách gọi giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người quản lý và người không phải quản lý. Họ đều là con người, họ đều có những điểm riêng và đóng góp cho tổ chức ở một vai trò nào đó. Họ không chỉ làm để kiếm tiền mà họ còn có những mong muốn khác trong môi trường làm việc. Mục tiêu của họ không phải để làm hài lòng người quản lý mà họ hướng tới sứ mệnh cao cả của tổ chức và muốn bản thân ngày một tốt hơn. Đối với nhà quản lý, hiểu được nhân viên theo đúng nghĩa là “con người” và tạo môi trường làm việc là nơi để “sống” chứ không chỉ là nơi để “làm việc”. Nếu tổ chức là nơi để mỗi nhân viên được sống vui vẻ, được thể hiện mình và phát triển cùng mục tiêu chung cao cả thì mọi công cụ quản trị đều là thừa thãi. Tự mỗi nhân viên sẽ biết cách làm cho tổ chức trở nên hiệu quả và thành công hơn.
4. Công nghệ
Ngày nay, sự phát triển công nghệ thực sự đã làm thay đổi cách con người tương tác với nhau. Ở góc độ doanh nghiệp, công nghê tạo ra những đột phá trong quá trình tác nghiệp nội bộ (operation), đột phá trong sản xuất (production), đột phá trong những giao dịch với khách hàng; không những thế nó còn tác động làm thay đổi hành vi, thúc đẩy những nhu cầu mới của khách hàng. Khai thác tốt công nghệ không những có thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động, đáp ứng khách hàng tốt hơn mà còn có khả năng dẫn dắt nhu cầu và hành vi khách hàng, tạo ra những sự khác biệt giá trị so với đối thủ.
Đối với nhà quản lý, không nhất thiết phải hiểu biết về công nghệ, nhưng cần phải rất nhạy bén trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ vào hoạt động của doanh nghiệp để tối ưu hóa hoạt động và nâng cao trải nghiệm khách hàng.