ĐÃ LÀ DOANH NHÂN - PHẢI BIẾT TỰ HỌC
Hotline: 0342.859.802
TỰ HỌC
TỰ HỌC Là triết lý và phương pháp chúng tôi sử dụng trong tất cả các chương trình
CHỦ ĐỘNG
CHỦ ĐỘNG Là yêu cầu bắt buộc với mọi tối tượng tham dự chương trình của chúng tôi
ĐỒNG KIẾN TẠO
ĐỒNG KIẾN TẠO Là cách thức chúng tôi xây dựng và phát triển các nội dung của mình
HỆ THỐNG
HỆ THỐNG Sự nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các nội dung là đặc trưng của chúng tôi

Những sai lầm trong tư duy Nhà lãnh đạo_Phần 1: Biểu hiện

26/06/2024 | Đăng bởi: BizPub.vn

Cuộc đời con người ai cũng phải sai lầm, có sai lầm mới biết được đâu là điều đúng đắn, có sai lầm mới có sự trưởng thành. Dân gian có câu "thất bại là mẹ của thành công", không hiểu thấu được thất bại, thì khó có thể có được thành công bền vững. Là doanh nhân, có lẽ bạn thấu hiểu điều này hơn ai hết; vì những sai lầm của bạn thường phải trả giá bằng mồ hôi nước mắt, và sinh kế của nhiều con người.

Nhưng, có một nghịch lý chúng tôi nhận thấy khá rõ: mặc dù nhà lãnh đạo hiểu rất rõ ý nghĩa và giá trị của những sai lầm; nhưng chính họ lại đang nuôi dưỡng mầm mống của sai lầm trong suy nghĩ của mình. Họ vẫn để những tư duy sai lầm chi phối những quyết định kinh doanh. Điều này không những gây nguy hiểm cho cuộc sống cá nhân của họ, mà còn là sự tồn vong của doanh nghiệp, cuộc sống của nhiều con người, và tương lai của xã hội.

Biểu hiện của sai lầm có thể nhìn thấy trong một số hiện tượng thực tế dưới đây:

1. Chọn sai chiến lược

Nhiều doanh nghiệp, dù đã hoạt động kinh doanh lâu năm trên thị trường, mà vẫn loay hoay chưa xác định được cho mình mục đích kinh doanh rõ ràng. Họ làm đủ mọi ngành nghề khác nhau, bán đủ mọi chủng loại hàng hóa, đủ mọi mức giá cho đủ mọi đối tượng khách hàng. Họ thường tuyển dụng, bổ nhiệm và phát triển nhân sự một cách cảm tính, mà ít quan tâm tới khía cạnh văn hóa. Họ cũng thường coi nhẹ hoặc phớt lờ những trách nhiệm với xã hội. Về cơ bản, những doanh nghiệp này chưa trả lời được câu hỏi: Vì sao họ kinh doanh?

Có vẻ họ mục đích của họ chỉ muốn kiếm tiền, nhưng họ không dám nói mình chỉ muốn kiếm tiền, vì nếu nói thế khách hàng của họ sẽ quay lưng, nhân viên của họ sẽ chỉ làm vì tiền, và xã hội sẽ lên án họ vì sự ích kỉ chỉ biết lợi cho mình. Họ có thể có một mục đích tốt đẹp khác, nhưng cũng không dám nói ra, vì sợ không thể thực hiện được; hoặc họ nói ra chỉ để che mắt thiên hạ, che mắt cổ đông, che mắt nhân viên, mà không thực sự giành nỗ lực đáng kể để làm gì với những tuyên bố đó.

Do mù mờ về mục đích cuối cùng khi kinh doanh, nên doanh nghiệp cũng thường không rõ ràng trong chiến lược. Họ có thể xác định được một nhóm đối tượng khách hàng tiềm năng, nhưng cũng không đầu tư thích đáng để hiểu sâu nhu cầu của họ, và phục vụ họ một cách tốt nhất. Họ không mặn mà với việc nghiên cứu khách hàng, phát triển sản phẩm và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Khi có cạnh tranh, chiến lược ưa thích của họ là giảm giá, điều này khiến lợi nhuận suy giảm đến mức không đủ nguồn lực để duy trì và củng cố các năng lực cạnh tranh. Họ không thể theo đuổi sự cạnh tranh trong dài hạn, và dễ dàng bỏ cuộc trước những đối thủ có tiềm lực tài chính mạnh hơn.

Trong nền kinh tế hội nhập, nếu không có rào cản ra nhập đủ vững, đối thủ cạnh tranh mới có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Các doanh nghiệp không có lợi thế cạnh tranh bền vững, và tiềm lực tài chính hạn chế, có thể dễ dàng bị đối thủ mới vô hiệu hoá bằng một chiêu đơn giản, là đốt tiền, để giành thị phần và lôi kéo nhân sự giỏi. Do không hiểu rõ về năng lực cốt lõi của mình, doanh nghiệp không xác định được điều gì là ưu tiên để giữ, điều gì không phải ưu tiên để từ bỏ; họ rơi vào vòng luẩn quẩn của khủng hoảng và sớm rời khỏi cuộc chơi.

2. Chọn sai người

Những người xung quanh luôn có tác động đến cách chúng ta suy nghĩ và hành động, dù họ có chủ đích hay không. Càng gần gũi, ảnh hưởng của họ tới chúng ta càng lớn. Thủa nhỏ, người ảnh hưởng nhất là gia đình, thầy cô, bạn bè. Khi bước vào con đường kinh doanh, những người có ảnh hưởng nhất đến cuộc sống của doanh nhân thường là bạn đời, đối tác và đồng nghiệp. Lựa chọn những người ảnh hưởng này là lựa chọn một phần con người doanh nhân, nó cũng quyết định phần nào cách họ sẽ kinh doanh.

Chúng tôi nghĩ rằng, các doanh nhân đều hiểu được điều này. Nhưng chúng tôi cũng nhận thấy, không ít người phớt lờ nó. Có những doanh nhân bước vào kinh doanh với hoài bão lớn lao và ý chí mạnh mẽ, nhưng không được bạn đời hậu thuẫn, thậm chí còn bị cản trở. Có những doanh nhân được bạn đời ủng hộ và hỗ trợ, tới khi có chút thành tựu lại gạt họ ra, để chạy theo những thứ phù phiếm. Nhiều doanh nhân chọn đối tác làm ăn mà không xem xét góc độ con người, họ chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế. Họ sẵn sàng thân thiết, thậm chí sống chết với những người làm ăn thiếu trách nhiệm, họ vào hùa cùng đối tác để làm những điều có hại cho xã hội, có hại cho người khác để thu lợi cho mình. Việc lựa chọn đồng nghiệp cũng vậy, họ không mấy quan tâm tới sự phù hợp về văn hóa, họ dễ dàng tuyển dụng và cũng dễ dàng xa thải nhân sự của mình, họ chấp nhận những mối quan hệ đồng nghiệp hời hợt và coi họ như những công cụ, họ ít đầu tư cho việc phát triển con người, phát triển văn hóa cũng như thúc đẩy niềm tin và sự gắn bó lâu dài.

3. Chọn sai chính mình

Doanh nhân thường có sự nhạy bén về thị trường, khách hàng; họ cũng có sự hiểu biết về đối tác và người khác. Khía cạnh mà họ ít có sự hiểu biết nhất, có lẽ là chính bản thân mình. Doanh nhân thường có cái tôi cao và có thế mạnh ở một số khía cạnh nào đó, những điều đó có thể giúp họ thành công trong kinh doanh, nhưng cũng có thể là điểm cốt tử của họ. Khi phải đối mặt với những vùng tối của bản thân, họ thường không chấp nhận nó, họ không dám thừa nhận con người thật của chính mình. Họ nhìn bản thân 1 cách phiến diện và luôn sống với một lớp mặt lạ hoặc ảo ảnh về mình.

Những doanh nhân này thường mơ hồ về mục đích sống của bản thân, khi nghèo họ nghĩ tiền là mục đích và họ muốn có tiền; nhưng khi có tiền họ lại không thấy hạnh phúc, và đi tìm kiếm niềm vui ở những điều khác, nó khiến cuộc sống của họ luôn thiếu thốn và luôn phải lo lắng.

Họ cũng thường là người sống thiếu nguyên tắc, họ có thể đặt ra nguyên tắc cho người khác, nhưng chính họ lại không nghiêm túc thực hiện nó. Họ không có sự nhất quán, muốn một điều nhưng cũng muốn điều ngược lại. Họ muốn người khác có trách nhiệm và cam kết với mình, nhưng bản thân họ lại không muốn cam kết và chịu trách nhiệm với ai. 

(còn tiếp)

***

Lưu ý: Nội dung trên đây được viết dựa trên kinh nghiệm của chính chúng tôi, nó chỉ phù hợp trong một số bối cảnh cụ thể mà không đúng trong mọi tình huống. Nhà lãnh đạo muốn biết thêm về vấn đề của doanh nghiệp mình, vui lòng để lại câu hỏi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm. Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm với những nội dung có trên website; hành vi sao chép nội dung mà không trích dẫn nguồn, hoặc không có sự cho phép của BizPub.vn là vi phạm pháp luật.

Gửi bình luận: