ĐÃ LÀ DOANH NHÂN - PHẢI BIẾT TỰ HỌC
Hotline: 0342.859.802
TỰ HỌC
TỰ HỌC Là triết lý và phương pháp chúng tôi sử dụng trong tất cả các chương trình
CHỦ ĐỘNG
CHỦ ĐỘNG Là yêu cầu bắt buộc với mọi tối tượng tham dự chương trình của chúng tôi
ĐỒNG KIẾN TẠO
ĐỒNG KIẾN TẠO Là cách thức chúng tôi xây dựng và phát triển các nội dung của mình
HỆ THỐNG
HỆ THỐNG Sự nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các nội dung là đặc trưng của chúng tôi

Tại sao doanh nghiệp bạn không phát triển?

30/05/2024 | Đăng bởi: BizPub.vn

Doanh thu không tăng, lợi nhuận suy giảm, thị phần ngày càng bị đe dọa bởi các đối thủ...thường là những biểu hiện doanh nghiệp dễ nhận thấy trong số liệu hoạt động, một số doanh nghiệp lo xa hơn sẽ có cảm nhận rõ về sự bế tắc trong định hướng tương lai. Đây là dấu hiệu phổ biến cho thấy doanh nghiệp bạn đang chậm phát triển thậm chí trên bờ vực của khủng hoảng.

Khi doanh nghiệp nhận thấy những điều này, họ thường dồn sự nỗ lực vào giải quyết những triệu chứng bằng cách thúc đẩy tăng trưởng doanh thu thông qua tăng cường hoạt động quảng cáo, bán hàng, tìm cách đa dạng hóa hay mở rộng thị trường, đồng thời xem xét các giải pháp cắt giảm chi phí để duy trì lợi nhuận như cắt giảm chi phí vận hành, giảm lương và phúc lợi nhân viên....Những điều này có thể tiếp tục duy trì doanh thu, lợi nhuận trong ngắn hạn cho doanh nghiệp trong 1-2 năm thậm chí lâu hơn; nhưng theo thời gian, nó bóp nghẹt mọi khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và càng nhấn doanh nghiệp xuống sâu trong vũng lầy của không phát triển. Nếu vẫn tiếp tục như vậy, khủng hoảng là điều tất yếu sẽ xảy ra.

Những doanh nghiệp hàng đầu thường dự đoán trước được những điều này khá sớm thông qua hệ thống thông tin chiến lược và các hoạt động phân tích chiến lược chuyên sâu, từ những biến động vĩ mô tới biến động trong ngành và nội bộ doanh nghiệp, họ cũng đánh giá được những ảnh hưởng nào là khách quan không thể dự đoán và những ảnh hưởng nào có thể dự đoán ở mức độ tin cậy nhất định, họ cố gắng giải thích thấu đáo điều gì đang xảy ra và sẽ xảy ra. Đặc biệt, các hành động phản ứng của họ sẽ được tính toán kĩ lưỡng để vừa đạt được các mục tiêu kinh doanh cụ thể mà vẫn củng cố thế mạnh cạnh tranh đang có.

Vậy, điều gì đang xảy ra với những số liệu về doanh thu, lợi nhuận, thị phần...có vẻ không khả quan của doanh nghiệp?

Thông thường doanh nghiệp chỉ nhận ra khi đã thấy rõ rằng "hoạt động của mình đang không khả quan", vì nếu không thấy điều đó doanh nghiệp vẫn tin rằng mình đang hoạt động "tốt", và đã tốt rồi thì "cứ thế mà làm", việc gì phải bận tâm đến thứ khác.

Chắc chắn doanh nghiệp nào cũng hiểu rằng khả năng marketing, bán hàng và vận hành là những yếu tố trực tiếp ảnh hưởng tới doanh thu, lợi nhuận và thị phần của doanh nghiệp. Trong nội dung này, chúng tôi muốn xem xét vấn đề ở mức độ sâu hơn, đó là những khía cạnh thuộc về nhà lãnh đạo.

Trước hết, nhà lãnh đạo hãy thử trả lời 2 câu hỏi sau:

(1) Có khi nào bạn nhận thấy nhân sự của mình đã làm kết khả năng rồi mà kết quả vẫn không như bạn mong đợi?

(2) Có khi nào bạn nhận thấy doanh nghiệp cần thay đổi nhanh nhưng mọi thứ vẫn rất chậm chạp?

Trả lời thấu đáo 2 câu hỏi trên sẽ dẫn bạn đến 1 nơi - đó là chính bạn - người lãnh đạo điều hành cao nhất của doanh nghiệp.

Đối với câu hỏi đầu tiên: Có những thứ mà doanh nghiệp dù có làm hết sức mình cũng không đi đến đâu bởi vì ngay từ đầu chúng ta đã lựa chọn "sai". Điều gì xảy ra khi chúng ta cố gắng làm tốt một việc mà đáng ra không nên làm? Đây là những sai lầm về chiến lược. Doanh nghiệp bạn có thể đã thành công trong quá khứ với chính lĩnh vực đó, chính cách làm đó, nhưng điều đó không đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục "đúng đắn" trong tương lai. Lãnh đạo nào cũng hiểu trong kinh doanh không nói trước được điều gì: có thất bại ngày hôm qua mới có thành công hôm nay; mà họ không hiểu vế còn lại của nó: thành công hôm nay cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới thất bại ngày mai. Chúng ta thường muốn đóng khung thành công của mình mà không mở nó ra đúng lúc để chờ đón những cơ hội mới. Khi bạn nhận ra cái công thức thành công quá khứ đó không còn phù hợp, có thể mọi thứ đã muộn màng. Bạn có nỗ lực thế nào với công thức đó cũng không giúp bạn thành công vì nó đã "sai". Cái sai ở bạn - người định hướng chiến lược - sẽ không được sửa chữa bởi cấp dưới - những người thực thi, nó nên bắt đầu và chỉ có thể bắt đầu từ bạn.

Với câu hỏi số 2: Giả sử bạn là người nhạy bén, bạn thấy rõ được cơ hội thị trường hay những thứ bên trong doanh nghiệp không còn phù hợp và cần phải thay đổi. Nhưng hành trình thay đổi để nắm bắt cơ hội hay ngăn chặn những nguy cơ đó không đơn giản như bạn nghĩ. Sự chống đối của nhân viên, sự đấu đá nội bộ của những bên ủng hộ và phản đối sự thay đổi, sự ngấm ngầm "không làm gì" của cán bộ quản lý và vô vàn sự cản trở không lường trước khiến cho hầu hết quá trình thay đổi gặp nhiều đau nỗi buồn hơn là niềm vui. Bạn sẽ thất vọng, bạn đổ lỗi cho cấp dưới và sa thải hết những người bạn nghĩ rằng đang chống đối; hoặc bạn thương họ bằng cách dừng lại không thay đổi gì nữa cả; cả 2 lựa chọn đều càng đẩy doanh nghiệp xuống vũng lầy của bế tắc. Đây là sai lầm trong chuyển đổi tổ chức. Tại sao bạn rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan này? Câu trả lời cũng ở chính bạn. Bằng cách nào đó, bạn đã vô tình nuôi dưỡng văn hóa chống lại sự thay đổi trong doanh nghiệp của mình thông qua cơ chế điều hành độc đoán, bạn tạo ra môi trường đầy rẫy sự quan liêu và trò chơi chính trị, bạn bổ nhiệm những người quản lý cấp trung không phù hợp. Nhưng trên hết là do chính bản thân bạn không rõ ràng - bạn ủng hộ sự thay đổi nhưng cũng cho phép sự chống lại nó một cách ngấm ngầm thậm chí công khai; bạn muốn nhân viên mình thay đổi trong khi chính bạn khư khư ngoan cố coi mình là bất khả xâm phạm; bạn muốn trồng cây ngắn ngày và thu hoạch nhanh trong khi mọi sự thay đổi lớn đều cần thời gian.

Lãnh đạo FPT - Trương Gia Bình khi được hỏi về bí quyết để doanh nghiệp nhỏ có thể phát triển thành tập đoàn lớn. Sau 36 năm dẫn dắt sự phát triển liên tục của FPT, anh có một đúc rút ngắn gọn "vì chính bạn muốn vậy!". Anh giải thích thêm "muốn" nó đi liền với "trả giá", bạn sẵn sàng trả giá thế nào cho điều bạn muốn? Nếu bạn chưa sẵn sàng trả giá hoặc đánh đổi tương xứng, có lẽ bạn mới chỉ "muốn cho có". Sự phát triển đột biến trong thời gian ngắn chưa nói lên nhiều điều về khả năng của doanh nghiệp, chỉ có sự phát triển liên tục trong thời gian dài với những bối cảnh cạnh tranh phức tạp mới khẳng định năng lực của doanh nghiệp; nó không chỉ đòi hỏi những nguồn lực đơn thuần, nó cần rất nhiều sự nỗ lực và trí tuệ để thực hiện những sự đánh đổi khó khăn. Chừng nào bạn chưa chấp nhận sự đánh đổi tương xứng với điều bạn mong muốn, chừng đó sự phát triển triển của doanh nghiệp vẫn còn xa vời.

Chúng tôi rất hiểu những khó khăn của nhà lãnh đạo vì ở vị trí của họ mọi sự lựa chọn lớn đều không hề dễ dàng. Chúng tôi muốn làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn có thể tồn tại trong cách họ nhìn nhận và hành động, qua đó làm rõ những lựa chọn mà họ có thể có. Trước những lựa chọn khó khăn, nhà lãnh đạo nên chậm lại một chút, nhìn sâu thêm một chút về những hiện tượng đã, đang xảy ra để xác định đúng vấn đề, lựa chọn thông minh, sẵn sàng thay đổi chính bản thân để củng cố văn hóa và liên tục thúc đẩy thay đổi trong tổ chức. Chỉ khi đó, doanh nghiệp bạn mới có thể tiếp tục phát triển, ngược lại có thể bạn đang cố gắng biến một vấn đề phức tạp có thể giải quyết được thành một vòng luẩn quẩn hỗn loạn các vấn đề không đầu không cuối, điều đó tất yếu dẫn đến tự hủy hoại doanh nghiệp mình.

***

Lưu ý: Nội dung trên đây được viết dựa trên kinh nghiệm của chính chúng tôi, chỉ phù hợp trong bối cảnh cụ thể mà không đúng trong mọi tình huống. Nhà lãnh đạo muốn biết thêm về vấn đề của doanh nghiệp mình, vui lòng để lại câu hỏi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm. Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm với những nội dung có trên website; hành vi sao chép nội dung mà không trích dẫn nguồn, hoặc không có sự cho phép của BizPub.vn là vi phạm pháp luật.

Gửi bình luận: