Tại sao nhân viên của bạn thiếu trách nhiệm?
30/05/2024 |Trách nhiệm giải trình có thể hiểu đơn giản là nghĩa vụ giải thích và biện minh của một người cho những hành vi của chính họ. Trách nhiệm giải trình tồn tại trong một tập hợp những mối quan hệ xã hội của một cá nhân nơi họ có thể chịu sự thẩm vấn, phán xét và phải đối mặt với hình phạt do những hậu quả mình gây ra. Trách nhiệm giải trình là một chủ đề phức tạp và có phạm vi rộng trong mọi khía cạnh của cuộc sống.
Hầu hết các doanh nghiệp đều hiểu rõ tầm quan trọng đặc biệt của trách nhiệm giải trình đối với hoạt động kinh doanh, có thể thấy 3 tác động rõ ràng của trách nhiệm giải trình đối với doanh nghiệp:
-
Trách nhiệm giải trình thúc đẩy sự dân chủ trong doanh nghiệp, nó khiến nhân viên tin tưởng vào sự công tâm và minh bạch của tổ chức cũng như sự trung thực của đồng nghiệp.
-
Trách nhiệm giải trình làm giảm bớt những trò chơi chính trị và sự quan liêu quá mức trong doanh nghiệp, nó hạn chế các cá nhân thâu tóm và tập trung quyền lực để phục vụ lợi ích riêng của mình.
-
Trách nhiệm giải trình là điều kiện cần thiết giúp tạo ra sự học tập thực sự trong tổ chức thông qua cung cấp những thông tin phản hồi trung thực về hoạt động, thúc đẩy chia sẻ tri thức và thu hút trí tuệ tập thể.
Mặc dù có nhiều tác động quan trọng, nhưng trên thực tế, những hiểu biết của doanh nghiệp về trách nhiệm giải trình còn rất mơ hồ. Không ít doanh nghiệp đưa ra những chính sách khen thưởng và kỉ luật nhằm mục đích nâng cao trách nhiệm của nhân viên nhưng kết quả là càng khiến họ thiếu trách nhiệm hơn; hiện tượng trốn tránh, đùn đẩy, thoái thác trách nhiệm vẫn diễn ra tràn lan ở tất cả mọi cấp độ: từ nhà lãnh đạo cao nhất tới những nhân viên tuyến đầu.
Vậy, vấn đề thực sự là gì? Điều gì khiến cho nhân viên thiếu trách nhiệm?
Trước hết, chúng ta cần có sự rõ ràng về mặt phạm vi khái niệm; trách nhiệm được nêu ra ở đây không phải một danh sách những yêu cầu được đưa ra bởi ai đó và gán cho 1 cá nhân phải tuân theo. Trách nhiệm thực sự là những điều mà 1 cá nhân nhận thức được và nội hóa nó vào bên trong chính mình. Một người được coi là có trách nhiệm khi họ hiểu, chấp nhận nó một cách tự nguyện và tự tin rằng mình có thể hoàn thành nó. Họ sẵn sàng cam kết, hào hứng nói về nó, chủ động sáng tạo thực hiện nó và chấp nhận là "tác giả không thể chối cãi cho tác phẩm của mình". Trách nhiệm gắn liền với sự tự do, nhận thức được trách nhiệm là nhận thức được việc tạo ra bản thân, số phận, hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, cảm xúc và cả nỗi đau khổ của chính mình. Trong phạm vi nội dung này, chúng tôi sẽ đi sâu mổ sẻ vấn đề thiếu trách nhiệm ở khía cạnh liên quan tới văn hóa.
Chúng ta đều biết, mỗi người sinh ra mang một nhân cách rất riêng, không ai giống ai, nó được quyết định bởi yếu tố bẩm sinh (di truyền) và yếu tố học được từ môi trường mà người đó sinh sống. Trong đó, trách nhiệm như một đặc điểm nổi bật trong tính cách, nó được hình thành từ khi sinh ra và biến đổi cùng những mối quan hệ mà mỗi người trải qua, trong đó những mối quan hệ đầu đời ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tính cách, nó bao gồm cha mẹ, gia đình, bạn bè, hàng xóm, thầy cô...Trong những mối quan hệ đó, con người tự học được những nét tính cách tích cực, và cũng học được cả những tính cách tiêu cực mà không cần phải dạy, trách nhiệm không nằm ngoài quy luật đó. Nếu như tổ tiên, cha mẹ, bạn bè, anh em, thầy cô rồi lớn lên một chút là thần tượng, người yêu của một người thể hiện sự thiếu trách nhiệm, khả năng cao người đó cũng sẽ thiếu trách nhiệm.
Con người không thể sống một mình, họ chỉ là con người thực sự khi ở trong 1 cộng đồng, 1 xã hội; môi trường xã hội ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức và thái độ của một người, thông qua đó con người có thể hiểu và hòa đồng. Trong môi trường mà những hành vi thiếu trách nhiệm diễn ra phổ biến và được coi là đương nhiên mà không bị trừng phạt, con người sẽ học được sự thiếu trách nhiệm. Ở góc độ xã hội, những yếu tố như: thằng trầm lịch sử dân tộc đã trải qua; quan điểm những người lãnh đạo điều hành đất nước; văn hóa dân tộc; văn hóa vùng miền địa phương là những yếu tố mạnh mẽ nhất "dạy" cho con người hiểu về tinh thần trách nhiệm và hành vi trách nhiệm. Thông qua những gì chúng ta nhìn thấy, nghe thấy, cảm nhận thấy hàng ngày, chúng ta hiểu trách nhiệm là gì, thể hiện trách nhiệm như thế nào và cả cách đùn đẩy, trốn tránh trách nhiệm nữa.
Trách nhiệm có thể được học thông qua sự giáo dục, ngoài sự giáo dục tự động từ môi trường xã hội, 2 nguồn giáo dục phổ biến và mạnh mẽ nữa mà 1 người thường nhận được là gia đình và nhà trường. Nếu trách nhiệm không được dạy bảo và làm gương trong gia đình và nhà trường, con người sẽ không biết trách nhiệm là gì. Nếu bố mẹ và thầy cô thể hiện những hành vi thiếu trách nhiệm, điều này cũng sẽ tự động được học. Một đứa trẻ sống trong một gia đình mà bố mẹ thiếu trách nhiệm, học tập trong môi trường thầy cô thiếu trách nhiệm, bản thân nó khó có thể trở thành người có trách nhiệm cao, dù chúng có muốn hay không.
Càng lớn lên, con người càng hình thành rõ tính cách, đến độ tuổi đi làm hầu hết những nét tính cách căn bản của 1 người đều đã định hình, dù họ có nhận thức được nó hay không. Mặc dù vậy, trách nhiệm là một đặc điểm năng động nên nó vẫn có thể thay đổi trong môi trường làm việc thông qua học hỏi và rèn luyện. Nếu một doanh nghiệp duy trì được triết lý kinh doanh và các giá trị rõ ràng thể hiện trong nền văn hóa mạnh đề cao trách nhiệm, mọi cá nhân sẽ tự động học được tinh thần trách nhiệm và thể hiện các hành vi trách nhiệm. Trong một doanh nghiệp chưa định hình rõ nét văn hóa, nhân viên sẽ học được hành vi trách nhiệm nhiều nhất từ những người lãnh đạo và quản lý của họ. Nếu những nhà Lãnh đạo và quản lý nêu gương về các hành vi trách nhiệm, nhân viên có khả năng cao cũng sẽ có trách nhiệm hơn. Ngược lại, nếu họ nhận thấy những nhà lãnh đạo và quản lý thiếu trách nhiệm hoặc không khuyến khích các hành vi trách nhiệm, nhân viên sẽ cảm thấy bất lực và sẽ tự động không thực hiện các hành vi trách nhiệm.
Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, trách nhiệm của một cá nhân hay bộ phận thường gắn liền với chiến lược và mục tiêu kinh doanh, doanh nghiệp cần có sự rõ ràng về khái niệm, phạm vi cũng như cách đo lường về trách nhiệm mà không thể tranh luận bằng diễn ngôn thuần túy vì sẽ không đi đến đâu. Điều này cần được xem xét trong quá trình thiết kế cơ cấu và tổ chức hoạt động kế toán trách nhiệm. Nếu cơ cấu tổ chức và hoạt động kế toán trách nhiệm không rõ ràng, doanh nghiệp sẽ không thể khuyến khích được các hành vi trách nhiệm. Khi đó, việc quy trách nhiệm cho cá nhân hay bộ phận cuối cùng sẽ tạo ra một cuộc cãi lộn và đùn đẩy không hồi kết.
Tóm lại, chúng tôi cho rằng "trách nhiệm" là một vấn đề phức tạp của doanh nghiệp, nó không chỉ chịu tác động bởi những yếu tố thuộc về cá nhân mỗi người mà còn bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường xã hội, văn hóa doanh nghiệp và sự lãnh đạo. Mặc dù vậy, nếu thực sự nhận thấy vai trò quan trọng của trách nhiệm đối với sự sống còn của doanh nghiệp; ngay từ lúc này các nhà lãnh đạo nên bắt tay hành động; đầu tiên cần nhận thức đúng về nó, tiếp đến là xem xét lại quan điểm và hành vi trách nhiệm của chính mình và cuối cùng là thưc hiện sự thay đổi trong tổ chức. Đây là một hành trình lâu dài và muốn có hiệu quả doanh nghiệp cần xem xét một cách kĩ lưỡng nhiều khía cạnh, tránh những nỗ lực sai lầm để cố gắng "chữa lợn lành thành lợn què".
***
Lưu ý: Nội dung trên đây được viết dựa trên kinh nghiệm của chính chúng tôi, chỉ phù hợp trong bối cảnh cụ thể mà không đúng trong mọi tình huống. Nhà lãnh đạo muốn biết thêm về vấn đề của doanh nghiệp mình, vui lòng để lại câu hỏi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm. Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm với những nội dung có trên website; hành vi sao chép nội dung mà không trích dẫn nguồn, hoặc không có sự cho phép của BizPub.vn là vi phạm pháp luật.