ĐÃ LÀ DOANH NHÂN - PHẢI BIẾT TỰ HỌC
Hotline: 0342.859.802
TỰ HỌC
TỰ HỌC Là triết lý và phương pháp chúng tôi sử dụng trong tất cả các chương trình
CHỦ ĐỘNG
CHỦ ĐỘNG Là yêu cầu bắt buộc với mọi tối tượng tham dự chương trình của chúng tôi
ĐỒNG KIẾN TẠO
ĐỒNG KIẾN TẠO Là cách thức chúng tôi xây dựng và phát triển các nội dung của mình
HỆ THỐNG
HỆ THỐNG Sự nhất quán và liên kết chặt chẽ giữa các nội dung là đặc trưng của chúng tôi

Điều gì xảy ra khi nhà lãnh đạo không vững nền tảng?

11/06/2024 | Đăng bởi: BizPub.vn

Nền tảng của người đứng đầu cũng chính là nền tảng của doanh nghiệp. Nếu bạn trong vai trò nhà lãnh đạo, bạn phải hiểu rõ nền tảng của chính con người mình; những đặc điểm về nhân cách, niềm tin, giá trị cốt lõi, đạo đức của bạn để biết điều gì khiến nhân viên của bạn tình nguyện đi theo. Nếu bạn trong vai trò nhà quản lý, bạn cần hiểu rõ những khái niệm, phương pháp luận, công cụ trong mọi khía cạnh điều hành doanh nghiệp để có thể khai thác tốt nhất trí tuệ tập thể của con người.

NỘI DUNG

1. Có những nguyên tắc ngàn năm vẫn còn giá trị

Khoảng 300.000 năm trước, loài người hiện đại (Homo Sapiens) - tổ tiên của chúng ta ngày nay ra đời. Trải qua quá trình tiến hóa lâu dài cho đến 12.000 năm trước - vào thời kì cách mạng đồ đá mới, họ bắt đầu chuyển từ cuộc sống săn bắt hái lượm sang định canh định cư; đặt nền móng cho sự phát triển nông nghiệp, hình thành các cộng đồng và quốc gia như ngày nay. Trong thời tiền sử, những cộng đồng người vượt trội về công cụ như đá, sắt, đồng không chỉ tạo ra nhiều thức ăn hơn mà còn tạo ra vũ khí mạnh mẽ hơn để chiến thắng các cộng đồng khác.

Khoảng 2500 năm trước, nền văn minh loài người phát triển rực rỡ về tư tưởng, tiêu biểu tại Hy Lạp cổ đại ở Phương Tây và Trung Hoa cổ đại ở Phương Đông. Những nhà tư tưởng vĩ đại như Socrates; Platon; Aristotle; Zeno của Hy Lạp cổ đại hay những triết gia trong Bách gia chư tử Trung Hoa cổ đại như Lão Tử (đạo giáo), Khổng Tử (nho giáo); Thương Ửởng (Pháp gia) đã đúc kết và truyền bá những hệ tư tưởng giúp cho xã hội loài người trở nên ổn định và có tổ chức hơn. Nhiều tư tưởng đã ăn sâu và định hình hệ tư tưởng của các quốc gia, dân tộc cho đến tận ngày nay. Những tư tưởng tiến bộ giúp cho việc điều hành đất nước tốt hơn, huy động được sức mạnh tập thể trong mọi hoạt động; và, bằng một cách nào đó nó giúp các quốc gia trở thành những kẻ mạnh nhất.

Khoảng 500 năm trước, cách mạng khoa học xảy ra đã định hình lại xã hội loài người theo hướng biến khoa học kĩ thuật thành nhân tố chủ đạo quyết định sự phân phối của cải vật chất và phân công lao động xã hội. Những phát minh lớn được thúc đẩy bởi các phong trào trí thức giúp cho các quốc gia sở hữu nó tạo ra của cải vật chất vượt trội và vươn lên trở thành những quốc gia dẫn đầu, nổi bật như thời kì phục hưng của Châu Âu, các cuộc cách mạng khoa học tại Anh mà Mỹ là một trong những quốc gia được hưởng lợi. Từ đó cho tới nay, lịch sử nhân loại đã chứng minh: ai dẫn đầu về khoa học kĩ thuật - kẻ đó thống trị thế giới.

Những đúc rút sơ lược trên cho thấy rõ ràng 2 điều:

Đầu tiên, quá trình phát triển của loài người chịu ảnh hưởng của 2 tác nhân lớn là hệ tư tưởng (triết lý, học thuyết, phương pháp luận) và khả năng làm chủ thành tựu mới (công cụ, công nghệ, phương pháp). Kẻ nào sở hữu hệ tư tưởng và thành tựu tiến bộ hơn sẽ là kẻ chiến thắng và thống trị. Điều này cũng đúng trong điều hành kinh tế vĩ mô của các quốc gia hay điều hành vi mô tại mỗi doanh nghiệp.

Thứ hai, có những hệ tư tưởng, thành tựu của nhân loại đã tồn tại hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn năm mà vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đó có thể coi là những nguyên lý, nguyên tắc gần như bất biến theo thời gian. Nếu nắm được những điều này, con người sẽ không cần phải mất công tự mày mò, trải nghiệm và chứng minh thêm nữa; vì có mày mò thêm nhiều năm nữa, chưa chắc chúng ta đã tìm ra điều gì đúng đắn hơn. Hành động khôn ngoan là chúng ta cần hiểu nó cho sâu sắc, sau đó xem xét để vận dụng nó sáng tạo trong thực tiễn.

2. Khó có thể sáng tạo thêm thứ tốt hơn khi chưa biết trong lịch sử đã có cái gì

Chúng tôi nhận thấy một đặc điểm nổi bật ở các doanh nhân, các bạn thường tự muốn mày mò và làm theo cách riêng của mình. Điều đó dựa trên sự tò mò, ham hiểu biết của con người, đó là một đức tính vô cùng tốt đẹp, nó là nền tảng của những sáng tạo, phát minh, tạo ra những điều mới mẻ cho cuộc sống. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một điều là, sự mày mò có phương pháp dựa trên một nền tảng kiến thức vững chắc sẽ khác với sự mày mò tự phát mang tính bản năng; bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn, trả giá nhiều hơn và khó có thể bắt kịp những thứ tiến bộ nhất.

Doanh nhân là những con người của hành động, bạn muốn hiện thực hóa ngay những ý định của mình, bạn cho rằng việc tìm hiểu kĩ về nó là mất thời gian và không cần thiết; cứ làm đã, sai đến đâu thì sửa đến đó. Suy nghĩ này dễ hiểu vì nếu bạn không phải người thiên về hành động, chắc chắn doanh nghiệp bạn sẽ thất bại. Tuy nhiên, nếu bạn giành thêm một chút thời gian để hiểu xem vấn đề thực sự của bạn là gì? Trước đó đã có ai gặp phải nó chưa? Họ giải quyết nó thế nào? Có những lựa chọn nào cho bạn? Có lẽ hành động của bạn sẽ hiệu quả hơn nhiều!

Cũng như nhân viên mới của bạn, họ thích tự làm theo ý mình, nhưng điều bạn mong muốn ở họ là hãy thực sự hiểu ý của bạn trước khi hành động. Ai cũng có cái tôi khư khư ngoan cố, nếu chỉ muốn làm theo ý mình mà không quan tâm tới trước đó điều gì đã diễn ra, có thể chúng ta sẽ chỉ lãng phí vô ích, mất tiền để sai lại những thứ đã từng sai. Do vậy, trước khi giải quyết vấn đề gì, hãy tìm hiểu kĩ xem nó đã từng được giải quyết như thế nào. Sự sáng tạo của người chưa biết gì rất khác sự sáng tạo của người đã biết rất nhiều. Bạn sẽ không thể có được trải nghiệm của người khác, nhưng trước khi bạn sáng tạo điều mới mẻ, hãy chắc chắn rằng mình đã có đủ nền tảng cần thiết.

3. Hậu quả của viêc quá tập trung vào "how" mà không quan tâm đến "what" và "why"

Sự bùng nổ của thông tin và văn hóa tiêu dùng khiến cuộc sống con người trở nên gấp gáp, chúng ta luôn muốn làm được nhiều điều và có được nhiều thứ hơn. Trong vòng quay đó, con người thường chỉ tập trung đi tìm câu trả lời cho câu hỏi "How? (làm thế nào?)" mà coi nhẹ câu trả lời cho câu hỏi "What?" (làm cái gì?) và "Why?" (tại sao làm thế?). Bạn thường nghĩ rằng mình đã biết chắc chắn nó là cái gì qua những hiện tượng bề ngoài của vấn đề, bạn cũng không cần biết lý do tại sao phải làm thế vì lối mòn tư duy đã xác nhận đó là điều hiển nhiên phải thế. Nhưng, bạn có biết, nếu bạn là một người chưa có đủ chiều sâu ở lĩnh vực nào đó, bạn có thể dễ dàng mắc phải sai lầm, vì có rất nhiều điều bạn không biết là mình không biết.

Trực giác và kinh nghiệm luôn là những thứ khiến bạn tin tưởng khi đưa ra quyết định, nhưng nó chỉ có độ chính xác cao khi những trải nghiệm quá khứ của bạn được dựa trên một nền tảng phương pháp luận đúng đắn; nó sẽ giúp bạn dễ dàng có câu trả lời đúng cho câu hỏi "what?" và "why?".

Ghi chú thêm: khái niệm phương pháp luận ở đây được hiểu là những lý thuyết và mô hình hành động mà mỗi người đang sử dụng. Bạn có biết rằng: bạn đang hành động theo một mô típ nào đó, tương đối ổn định, mà chính bạn cũng không nhận ra hay không?

Khi bạn chưa trả lời thấu đáo hai câu hỏi "what?" và "why?". Việc tìm kiếm ngay câu trả lời cho "how?" có thể khiến bạn tập trung nỗ lực của mình để làm tốt những việc đáng ra không nên làm.

Những điều này không hàm ý là bạn phải hiểu hết ngọn ngành mọi thứ trước khi bắt đầu hành động, đúng hơn thì quá trình hành động của bạn cần luôn được xem xét cùng với những lý luận về nó. Bạn cần chắc chắn rằng những hành động của bạn dựa trên những căn cứ mà bạn đã xác nhận là đúng đắn, và nếu bạn cộng tác cùng người khác thì căn cứ đó cũng phải được người khác thừa nhận là đúng đắn. Tức là, phương pháp luận của bạn phải thuyết phục được những người khác.

4. Những điều hiển nhiên đúng

Có nền móng chắc mới có thể xây cao; có gốc rễ chắc mới có thể vươn xa; những điều này có thể không đúng với những ai muốn xây những thứ tạm bợ ngắn ngày; nhưng với những người muốn đi con đường dài, nó hiển nhiên đúng. Thương trường như chiến trường, thuyền to sóng lớn, bạn càng muốn lớn mạnh bạn càng phải có nền tảng chắc chắn, đó là khả năng lãnh đạo điều hành, năng lực cạnh tranh hình thành từ nội lực của chính bạn. Bạn có thể thành công trong 1 phi vụ kinh doanh nhưng nếu không có nội lực thực sự, bạn có thể gặp thất bại ê chề. Những doanh nghiệp liên tục phát triển hàng chục, hàng trăm năm, tung hoành trên khắp mọi thị trường, mọi lĩnh vực; họ không gặp may lâu đến vậy, họ là những người biết mình biết ta và có nền tảng quản lý mạnh mẽ.

Trong nhân gian, cao nhân thường không khoa trương, họ khiêm tốn; khi gặp khó khăn, họ biết lấy tĩnh chế động, lấy bất biến ứng vạn biến, lấy vô chiêu thắng hữu chiêu. Họ tập trung vào luyện thể lực và trí lực rồi mới luyện chiêu thức; họ tập luyện thành thạo tới mức không còn theo chiêu thức mà tự mình sáng tạo ra chiêu thức. Sự bình tĩnh của "kẻ liều" khác sự bình tĩnh của một "cao nhân"; "kẻ liều" bình tĩnh vì không biết sợ, "cao nhân" bình tĩnh vì đã ở bên trên nỗi sợ hãi.

Trong quân sự, một đội quân mạnh thường phải có tướng tài và quân tinh nhuệ mạnh; nhóm dẫn dắt này sẽ giúp quản lý và phát triển năng lực cả đội ngũ. Nhiệm vụ quan trọng nhất của người tướng là phát triển chính mình và phát triển nhóm tinh nhuệ, đồng thời đảm bảo cho những tư tưởng của mình được truyền bá nhất quán trong toàn bộ đội ngũ thông qua khả năng truyền cảm hứng và hệ thống quản lý ưu việt. Họ cần tự mình làm điều này, hoặc ít nhất cần có đủ nền tảng để làm việc với những người giỏi nhất ở từng lĩnh vực và tư duy hệ thống để kết hợp họ lại cùng nhau. Cách thu phục nhân tâm khôn ngoan nhất là dùng lẽ phải, lòng yêu nước và tinh thần dân tộc.

Trong thể thao, năng khiếu chỉ đóng góp một phần nhỏ cho những thành tựu vĩ đại, quá trình khổ luyện lâu dài mới là thứ đóng góp lớn và bền vững. Rất nhiều tài năng quá tự mãn vào năng khiếu bẩm sinh của mình với những thành tựu nhỏ mà đánh mất khát khao và sự kỷ luật để tiếp tục vươn lên, họ nhanh chóng bị bỏ lại và khó có thể vươn tới đỉnh cao một lần nữa. Học tập, rèn luyện liên tục mới là mấu chốt của những thành công bền vững.

Trong kinh doanh, muốn dẫn dắt một doanh nghiệp lớn mạnh cần làm tốt ít nhất 2 điều: khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý. Khả năng lãnh đạo tốt là khả năng thu hút người khác đi theo một cách tự nguyện. Những nhà lãnh đạo đích thực có những quyền lực mềm được tạo ra từ nền tảng đạo đức và văn hóa, nó thể hiện ở những giá trị và nguyên tắc hành động nhất quán mà họ sở hữu. Sự thu hút nhất thời bằng ấn tượng, quyền lực hay thao túng tâm lý đều không bền vững và không đích thực, sớm muộn cũng bị phản tác dụng. Khả năng quản lý tốt là khả năng thiết kế và vận hành một hệ thống quản lý hiệu quả, từ cấu trúc tổ chức, sắp xếp con người, thiết lập cơ chế vận hành và duy trì môi trường hoạt động tích cực. Để làm được điều này, nhà quản lý cần nắm vững luật chơi của kinh doanh, những nguyên tắc quản lý cốt lõi cũng như những tiến bộ quản lý mới nhất để có thể liên tục hoàn thiện hệ thống quản lý của doanh nghiệp.

5. Quá trình hình thành năng lực

Năng lực của một con người không tự nhiên mà có, nó được hình thành qua quá trình học tập và rèn luyện lâu dài. Con người có khả năng học tập bằng rất nhiều hình thức: chúng ta có thể học bằng cách thực hành và vấp ngã như những đứa trẻ tập đi; học bằng cách quan sát và bắt chước người khác; học qua giáo viên trên trường lớp; học qua vui chơi cùng bạn bè; học qua đọc sách báo hay phim ảnh; học qua tự nhìn lại chính mình....Mỗi người có một cách thức học hiệu quả khác nhau, nhưng để có hiểu biết vf năng lực, không thể không trải qua quá trình học và thực hành. Không có sự hiểu biết và năng lực nào tự nhiên sinh ra.

Toàn bộ quá trình phát triển năng lực của một người có thể khái quát qua 5 giai đoạn, nó tương ứng với 5 cấp độ năng lực:

  • Cấp độ 1: Nhớ và hiểu

Trước khi có được năng lực làm việc gì, con người cần ghi nhớ được những nguyên tắc và hiểu được chúng có vai trò gì trong hành động. Một đứa trẻ không thể biết đi nếu không nhớ được cách đứng, cách bước chân, cách giữ thăng bằng. Trước đó, khả năng đứng, bước đi và giữ thăng bằng cũng cần một quá trình hiểu những điều cơ bản hơn như lẫy, bò, đứng bám vào bố mẹ. Tương tự như vậy; ở những cấp độ cao; nhận thức của con người cũng được hình thành bởi hệ thống những khái niệm, cấu trúc lý thuyết, nguyên tắc nền tảng chúng tôi gọi là phương pháp luận. Hệ thống phương pháp luận giúp mọi người hiểu các từ ngữ theo cùng 1 ý nghĩa; không có lý thuyết và khái niệm nhất quán, mỗi người sẽ hiểu theo một cách khác nhau; khi đó tri thức không thể truyền thụ được. Những nguyên tắc giúp định hình mối quan hệ giữa những đối tượng và hành động; nó tạo nên một hệ thống suy luận logic để từ đối tượng này có thể suy ra đối tượng kia theo nguyên tắc, tương tự, nó bác bỏ những thứ không phù hợp nguyên tắc. Hệ thống lý thuyết, khái niệm và nguyên tắc ngày càng phức tạp khi phạm vi kiến thức càng mở rộng và đào sâu. Nhớ và hiểu rõ hệ thống khái niệm, lý thuyết và nguyên tắc mới có thể vận dụng trong thực hành mà không bị mâu thuẫn và chỉ có thế mới có thể nâng cấp được năng lực. Bạn có thể bắt chước một năng lực nhưng chỉ học được hành vi bề nổi mà không học được kiến thức ngầm bên trong, khi đó bạn sẽ không thể tự điều chỉnh hoặc điều chỉnh sai, bạn cũng không thể nâng cấp được năng lực của mình lên những cấp độ phức tạp hơn.

  • Cấp độ 2: Ứng dụng

Khi bạn hiểu rõ lý thuyết, khái niệm và nguyên tắc; bạn có thể bước vào sang cấp độ thực hành. Đây là giai đoạn bắt đầu hình thành năng lực thực hiện hành động. Bạn có thể nhận ra những khuôn mẫu trong hành động phù hợp ở từng bối cảnh thực tế và áp dụng một cách tương đối máy móc những điều học được để tạo ra kết quả. Cấp độ này giúp bạn hiểu rõ hơn ý nghĩa của các lý thuyết, khái niệm và nguyên tắc đã được học; bạn nhận ra có những điều phù hợp, có những điều chưa phù hợp với thực tế. Giai đoạn này bạn có thể thực hiện được nhiệm vụ nhưng tương đối máy móc và kém linh hoạt.

  • Cấp độ 3: Thành thạo

Trong quá trình tiếp tục thực hành lặp đi lặp lại; bạn nhận ra một số điều phù hợp và một số điều chưa phù hợp ở từng tình huống thực tế; bạn có thể đối chiếu với hệ thống phương pháp luận đã học và thực hiện những sự phân tích, đánh giá, tổng hợp và điều chỉnh để giúp thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn. Quá trình này giúp bạn đối phó tốt với những vấn đề khác nhau trong từng tình huống khác nhau.

  • Cấp độ 4: Chuyên gia

Sau khi có khả năng vận dụng thành thạo phương pháp luận vào từng tình huống thực tế; bạn có thể ra quyết định rất nhanh và chính xác bằng trực giác. Bạn đã có thể tái hiện và hệ thống hóa lại toàn bộ khung lý thuyết, khái niệm và nguyên tắc như một chỉnh thể đầy đủ. Bạn hình dung về nó rõ ràng cả góc độ lý thuyết và thực tiễn, bạn có thể tái thiết lại nó trong bất kì môi trường nào mà bạn đã từng thực hành một cách nhanh chóng. Đây là cấp độ cao nhất về năng lực khi bạn chỉ tuân theo một hệ thống phương pháp luận.

  • Cấp độ 5: Tự chủ sáng tạo

Ở cấp độ này, bạn có thể hiểu rất sâu về hệ thống phương pháp luận của mình; bằng việc có thêm những trải nghiệm sâu sắc; những quan sát tinh tế; sự mở rộng học hỏi và khả năng sáng tạo; bạn đã có thể tự tạo ra một hệ thống phương pháp luận cho riêng mình. Bạn có thể thực hiện hành động linh hoạt, tinh tế đến mức người quan sát bên ngoài sẽ không thể biết bạn đang làm theo nguyên tắc nào, thực chất là những nguyên tắc đã ăn sâu và trở nên vô hình với người bên ngoài, ngay cả với chính bạn.

Con người thường coi nhẹ nguyên tắc của quá trình hình thành năng lực. Họ thường tập trung cho những hành động tạo ra kết quả ngay mà ít quan tâm đến việc cố gắng giải thích thấu đáo tại sao hành động đó lại tạo ra kết quả? Họ không quan tâm, và đương nhiên không hiểu hệ thống phương pháp luận đằng sau hành động đó là gì? Bởi vậy; họ không thể có khả năng đánh giá một phương pháp là đúng hay sai, phù hợp hay không phù hợp. Họ thường bị dắt mũi bởi những người khác và không hiểu rằng chính kẻ dắt mũi họ cũng không hiểu những gì họ đang làm. Rõ ràng chúng ta hiểu rằng sẽ không thể chạy nếu chưa biết bò, nhưng vì một lý do nào đó chúng ta vẫn cố vùng lên để chạy, liệu điều gì sẽ xảy ra? Một đứa trẻ cũng nhận ra rủi ro này, và, bạn thử nhìn xem, chúng không bao giờ tự làm vậy.

6. Hệ quả khi lãnh đạo thiếu nền tảng

Ở vai trò người đứng đầu doanh nghiệp; bạn không những có quyền mà bạn còn có cả trách nhiệm làm thế nào để doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả; trước mắt là kiếm đủ để không chỉ bạn mà cả nhân viên của bạn và các bên liên quan đều thấy hạnh phúc; xa hơn là giúp cho đất nước phát triển, nhân loại tiến bộ. Việc doanh nghiệp không hoàn thành trách nhiệm sớm hay muộn cũng tạo ra gánh nặng cho xã hội. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo thiếu nền tảng, những điều sau đây sẽ khiến bạn khó có thể hoàn thành trách nhiệm.

  • Bạn sẽ không hiểu tại sao mình làm những điều mình làm

Bạn luôn hỏi nhân viên của mình tại sao họ làm những điều không tốt cho doanh nghiệp. Nhưng bạn quên tự hỏi chính mình rằng, tại sao bạn làm những điều bạn làm? Là người lãnh đạo, bạn cần làm cho những người đi theo mình hiểu tại sao họ nên đi theo bạn. Họ không chỉ có 1 lựa chọn duy nhất để kiếm tiền mưu sinh. Nhân viên càng giỏi, càng có năng lực, họ càng có nhiều lựa chọn. Để tận dụng được cả khả năng, sự nỗ lực và gắn bó của họ, bạn cần cho họ hiểu ý nghĩa thực sự của công việc họ làm; nó có xứng đáng để họ đánh đối với những lựa chọn khác hay không? Người họ muốn nghe nhất, không ai khác, chính là người đứng đầu doanh nghiệp. Nếu bạn không thể tự cắt nghĩa cho mình: tại sao bạn làm những điều mình làm? liệu bạn có thuyết phục được nhân viên theo mình?

  • Bạn không thể giao tiếp hiệu quả

Giao tiếp là cách kết nối con người mạnh mẽ; giao tiếp chỉ hiệu quả khi cả người nói và người nghe đều hiểu 1 thông điệp theo cùng 1 ý nghĩa. Sự mâu thuẫn diễn ra khi chúng ta hiểu cùng 1 ngôn từ theo những cách khác nhau. Trong doanh nghiệp, những giao tiếp thông thường có thể diễn đạt bằng ngôn ngữ sinh hoạt. Nhưng những giao tiếp chuyên môn hoặc giao tiếp với hệ thống máy móc công nghệ, chúng ta phải dùng hệ thống ngôn ngữ riêng của lĩnh vực đó. Quản lý là một lĩnh vực khoa học, nó cũng có hệ thống ngôn ngữ riêng được quy ước bởi những khái niệm và khuôn khổ phương pháp luận của nó, nếu bạn không hiểu những quy ước này, bạn không thể giao tiếp hiệu quả. Hoạt động doanh nghiệp càng phức tạp, nhân sự của bạn càng có chuyên môn sâu, hệ thống ngôn ngữ càng phức tạp. Nếu không có nền tảng chuẩn, bạn sẽ nói ngôn ngữ khác với nhân viên của mình. Khi đó, bạn không thể quản lý họ hiệu quả và họ cũng không thể chia sẻ thông tin với bạn hiệu quả. Việc sử dụng từ ngữ không chuẩn mực của truyền thông ngày nay càng khiến vấn đề nguy hiểm hơn khi nó cung cấp sai ý nghĩa cho các khái niệm. Muốn sửa lại, bạn phải quên đi cái sai mà bạn đã tiêm nhiễm vào đầu trước khi có thể hiểu đúng ý nghĩa của nó.

  • Bạn tạo ra văn hóa độc nhất theo nhận thức của mình

Khi bạn và nhân viên không có hệ thống ngôn ngữ thống nhất, ngôn ngữ chung của doanh nghiệp sẽ là ngôn ngữ riêng của bạn. Với sự hạn chế về nền tảng kiến thức cũng như sự không rõ ràng về bản thân, bạn sẽ tạo ra một văn hóa riêng biệt chỉ có ở doanh nghiệp mình mà chính bạn cũng không định nghĩa được nó. Điều này tạo ra cản trở cho quá trình hội nhập của nhân sự mới; gây khó khăn trong giao tiếp với các bên liên quan và gây rối loạn khi hoạt động doanh nghiệp được mở rộng. Những nhân sự chuyên nghiệp sẽ không muốn làm việc cùng bạn vì họ sẽ không được thấu hiểu và khó phát triển. Khi đó, doanh nghiệp bạn khó có thể sử dụng người có chuyên môn cao, khó ứng dụng được những thành tựu tiến bộ nhất trong quản lý.

  • Bạn sẽ đối mặt với rủi ro cao khi ra quyết định quan trọng

Bằng kinh nghiệm và những đánh giá chủ quan của mình, bạn thường ra quyết định bằng trực giác. Trong những quyết định lớn cần có sự cân nhắc kĩ lưỡng thông qua phân tích và huy động ý kiến của nhiều người, với nền tảng yếu về kiến thức, bạn không thể đưa ra những phân tích sâu sắc và thấu đáo, bạn cũng khó huy động được ý kiến chuyên gia vì khó khăn trong giao tiếp, những điều này khiến cho những quyết định thường rất rủi ro, đặc biệt là những quyết định chiến lược quan trọng.

Rủi ro càng cao khi bạn phó mặc quyết định lớn cho những chuyên gia bên ngoài, vì họ chưa đủ thời gian để hiểu những ngầm định văn hóa bên trong doanh nghiệp. Quyết định của họ có thể rất đúng về khoa học, nhưng lại không phù hợp với một doanh nghiệp đã quá quen với cách làm không định nghĩa được mà bạn đã tạo ra.

  • Bạn không thể rời khỏi doanh nghiệp của mình

Do ngôn ngữ và văn hóa doanh nghiệp mang rất nhiều đặc điểm cá nhân nhưng không rõ ràng của bạn. Bạn khó có thể đóng gói và chuyển giao nó cho người khác tiếp quản. Doanh nghiệp sẽ chỉ hoạt động tốt khi có bạn và trở nên rối loạn khi không có bạn. Chỉ khi bạn hiểu được chính triết lý, phương pháp luận quản lý của mình và có thể đóng gói, chuyển giao nó cho người khác, bạn mới có thể rời đi mà không sợ ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Những doanh nghiệp hàng đầu có thể thay đổi lãnh đạo và quản lý cấp cao dễ dàng vì họ có một hệ thống quản lý mạch lạc, có thể đóng gói và chuyển giao. Điều khó chuyển giao nhất là văn hóa doanh nghiệp, nếu bạn không thể hiểu văn hóa mà chính bạn đã tạo ra và mang nó trong người, bạn sẽ không thể trông chờ ai đó có thể thay thế.

  • Không thể hình thành trí tuệ doanh nghiệp

Cùng với quá trình hoạt động, doanh nghiệp tạo ra một lượng tri thức ngày càng phức tạp; nó chứa tất cả kiến thức, kinh nghiệm của cả những thành công lẫn thất bại mà doanh nghiệp đã trải qua. Về nguyên tắc, những tri thức này có thể được đóng gói và chuyển giao trong toàn bộ tổ chức giúp cho mọi nhân sự có thể học hỏi và củng cố thêm, điều này tạo nên trí tuệ doanh nghiệp - một loại tài sản vô cùng giá trị.

Tuy nhiên, nếu bạn không thể hệ thống hóa những kiến thức này theo một phương pháp nhất quán nào đó, bạn sẽ không thể đóng gói và chuyển giao chúng. Đây là một sự lãng phí rất lớn khi người đến sau không thể kế thừa được tri thức của những người đi trước, nó có thể khiến cho một sai lầm được lặp đi lặp lại nhiều lần mà thành công thì không thể lặp lại vì không giải thích được vì sao lại thành công. Cuối cùng, những thứ không thể giải thích được gán cho những cái mác dể hiểu hơn là "đỏ" và "đen" hay "may mắn" và "rủi ro".

  • Bạn có thể bị tẩu hỏa nhập ma

Khi bạn được cung cấp những kiến thức nền tảng không chuẩn mực; bạn sẽ có thể hiểu sai ý nghĩa của những khái niệm, mà đã sai về khái niệm thì cũng sai luôn về phương pháp. Nếu tiếp tục sử dụng những cái sai để phát triển doanh nghiệp, một lúc nào đó bạn sẽ bị loạn và buộc phải dừng lại. Một người khó có thể vừa tu tập theo đạo Phật, vừa giữ đức tin theo Thiên Chúa. Trong võ học, người ta sử dụng "tẩu hỏa nhập ma" để nói về những người luyện võ mà không hiểu rõ về phương pháp. Khái niệm và phương pháp sai thường gặp khi chính người nói ra nó cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó, điều đó dẫn đến việc họ dùng từ sai hoặc giải thích sai ý nghĩa của từ ngữ. Khi bạn muốn kết hợp nhất quán mọi khái niệm và phương pháp trong 1 hệ thống gồm nhiều thành phần phức tạp, vấn đề của bạn sẽ lộ ra. Khi đó, chỉ có một cách duy nhất để sửa là phải quên đi những gì bạn đã biết và bắt đầu học lại từ đầu. Quá trình này khiến bạn mất rất nhiều thời gian.

  • Doanh nghiệp bạn khó có thể thay đổi hiện trạng

Do nền tảng lãnh đạo điều hành yếu, bạn không thể sở hữu đội ngũ mạnh nhất, doanh nghiệp bạn sẽ không thể thắng trong những cuộc đối đầu trực diện với đối thủ lớn. Nếu bạn kiên trì học hỏi và rèn luyện vũ khí để tiếp tục chiến đấu với họ, có thể bạn sẽ chiến thắng. Nhưng việc bạn và đội ngũ của mình không liên tục thúc đẩy học hỏi chứng tỏ doanh nghiệp bạn đã chấp nhận từ bỏ cuộc chiến, chấp nhận là những người nhỏ bé, yếu ớt và phải sống phụ thuộc. Nếu thị trường không còn thì doanh nghiệp bạn cũng không còn; nếu doanh nghiệp lớn đến giành miếng ăn của bạn thì bạn chỉ có cách xin dâng.

Bạn lựa chọn con đường cho doanh nghiệp là những người đi theo; tức là bạn sẽ chỉ làm những gì mà người dẫn đầu làm mà không muốn hoặc không thể vươn lên dẫn đầu hay tìm kiếm con đường mới. Nếu thị trường thuận lợi, doanh nghiệp bạn có thể có miếng đất nho nhỏ mà các ông lớn không nhòm ngó đến để cày cuốc; nhưng khi thị trường khó khăn; những người đi theo yếu đuối như doanh nghiệp bạn sẽ là những người phải rời bỏ đầu tiên.

Là người nhạy bén với thị trường, bạn biết là tương lai đang khó, nếu cứ tiếp tục như hiện tại, thì doanh nghiệp bạn sẽ không trụ được. Bạn hiểu rằng phải làm một điều gì đó khác đi; bạn cố gắng hô hào đội ngũ của mình thay đổi nhưng mọi thứ không như bạn mong đợi. Bạn đã vô tình hay hữu ý tạo ra một văn hóa doanh nghiệp thích chống lại sự thay đổi hơn là nỗ lực thực hiện thay đổi. Ngay chính bản thân bạn cũng chỉ hô hào mà không thực sự có những hành động khác; bạn khuyến khích nhân viên đổi mới nhưng không chấp nhận để họ mắc sai lầm; bạn muốn họ độc lập sáng tạo nhưng luôn dùng quyền lực để quyết định thay họ. Mong muốn thay đổi của bạn mới là "chú cừu non", nhưng "con sói già" chống lại thay đổi đã được bạn nuôi dưỡng từ rất lâu rồi, nó chỉ chờ có cơ hội để giương oai giễu võ mà thôi.

Kết luận

Tóm lại, nếu doanh nghiệp của bạn phát triển lên một ngưỡng mà không thể phát triển tiếp, bạn phải quay về với gốc rễ để xem lại những nền tảng đã tạo nên nó. Nền tảng của người đứng đầu cũng chính là nền tảng của doanh nghiệp. Nếu bạn trong vai trò nhà lãnh đạo, bạn phải hiểu rõ nền tảng của chính con người mình; những đặc điểm về nhân cách, niềm tin, giá trị cốt lõi, đạo đức của bạn để biết điều gì khiến nhân viên của bạn tình nguyện đi theo. Nếu bạn trong vai trò nhà quản lý, bạn cần hiểu rõ những khái niệm, phương pháp luận, công cụ trong mọi khía cạnh điều hành doanh nghiệp để có thể khai thác tốt nhất trí tuệ tập thể của con người.

Sự bùng nổ truyền thông không kiểm soát, sự phổ biến của những hành vi thiếu trách nhiệm trong kinh doanh ngày nay khiến những nhà lãnh đạo khó tìm được nơi đáng tin cậy để có thể học hỏi; mặc dù đã có rất nhiều điều thay đổi trong thế giới tiến bộ; đó là một thiệt thòi lớn; là hậu quả mà cả dân tộc phải gánh chịu cho những sự dễ dãi. Phát triển khả năng tự học và tư duy phê phán là cách tốt nhất để mỗi nhà lãnh đạo đưa ra quyết định sáng suốt. Vì sự nguy hại của những niềm tin sai lầm, trước khi lựa chọn học bất cứ gì, bạn cần xác định rõ độ tin cậy của nguồn cung cấp nội dung; xem xét và thẩm định kĩ cách tiếp cận, phương pháp luận cũng như các tài nguyên học tập để ra quyết định đúng đắn nhất.

Suy cho đến cùng, những thành công hay thất bại của doanh nghiệp đều chịu tác động của người đứng đầu, dù trực tiếp hay gián tiếp. Việc chối bỏ hay đổ lỗi cho ai đó không những không thực tế mà còn rất nguy hiểm, nó châm ngòi cho văn hóa vô trách nhiệm và đổ lỗi trong toàn doanh nghiệp. Chối bỏ thực tế không phải lựa chọn khôn ngoan mà điều nên làm là đối mặt, nhận diện và hành động ngay. Nếu bạn thực sự nhận thấy có những vấn đề ở bản thân mình, việc bạn dũng cảm đối mặt vượt qua hay can đảm trốn tránh không làm gì cũng sẽ là hình mẫu để nhân viên của bạn học theo. Bạn có muốn nhân viên của bạn là người chủ động học hỏi? Đừng tốn thêm công sức và tiền bạc để hô hào nữa, hãy là tấm gương của họ, sự nỗ lực của bạn chính là thứ truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất. Tri thức mới sinh ra thêm mỗi ngày, muốn bản thân và doanh nghiệp liên tục phát triển, không có lý do thỏa đáng nào để trì hoãn việc học tập, đặc biệt là ở vai trò người đứng đầu.

Không có con đường tắt cho sự xuất sắc, những bước đi nhỏ và bền bỉ sẽ tạo nên những điều kì diệu. Hành trình biến doanh nghiệp của bạn thành người khổng lồ cần những bước đi nhỏ của tất cả mọi thành viên, nó phải được bắt đầu từ bạn. Ngày nay, công nghệ là món quà lớn đối với những ai biết tận dụng nhưng sẽ là thách thức lớn với những ai quay lưng lại. Công nghệ đem tinh hoa tri thức nhân loại đến ngay trước mắt mỗi người; người khôn ngoan là người biết đứng trên vai những người khổng lồ để tỏa sáng. Nếu bạn là một nhà lãnh đạo thức thời, bạn muốn cởi mở đón nhận cơ hội mà công nghệ đem lại hay quay lưng chống lại quy luật của sự phát triển?

 

***

Lưu ý: Nội dung trên đây được viết dựa trên kinh nghiệm của chính chúng tôi, nó chỉ phù hợp trong một số bối cảnh cụ thể mà không đúng trong mọi tình huống. Nhà lãnh đạo muốn biết thêm về vấn đề của doanh nghiệp mình, vui lòng để lại câu hỏi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn thêm. Chúng tôi chịu mọi trách nhiệm với những nội dung có trên website; hành vi sao chép nội dung mà không trích dẫn nguồn, hoặc không có sự cho phép của BizPub.vn là vi phạm pháp luật.

Gửi bình luận: