Tự học Quản trị kinh doanh
26/12/2023 |Tự học quản trị kinh doanh KHÔNG PHẢI là học một mình: Rất ít người có khả năng học một mình hiệu quả, hầu hết đều cần tới sự hỗ trợ của những người có chuyên môn. Đối với tự học, người hỗ trợ là người có chuyên môn sâu về chủ đề học và nắm vững kĩ năng hướng dẫn.
Tự học quản trị kinh doanh KHÔNG PHẢI là học online: Online là hình thức tổ chức học, không phải phương pháp học. Có hoạt động phù hợp với hình thức Online, có hoạt động không phù hợp. Tự học là hình thức kết hợp nhiều hoạt động học tập khác nhau nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng của người học.
Tự học quản trị kinh doanh KHÔNG PHẢI là học tự do: Tự học là một phương pháp chặt chẽ, nó có những nguyên tắc và đòi hỏi sự tuân thủ nghiêm túc. Ở trình độ cao, người học có thể tự do sáng tạo cách học của mình. Nhưng với hầu hết mọi người, năng lực tự học cần phải được rèn luyện từ những điều căn bản nhất.
1. Hiểu đúng về tự học quản trị kinh doanh
(i) Tự học là một phương pháp học hiệu quả của người lớn
Học là một hành vi phức tạp của con người, cho đến nay, khoa học vẫn chưa thể giải thích hết được quá trình đó diễn ra như thế nào và làm cách nào để giúp con người học tập hiệu quả nhất. Việc học diễn ra trong suốt cuộc đời chúng ta, hầu hết quá trình học là phi chính thức, hiểu nôm na là nó diễn ra ngẫu nhiên trong cuộc sống chứ không phải trên lớp học. Có nhiều phương pháp học khác nhau, phổ biến là phương pháp sư phạm; theo đó, việc học bị chi phối bởi người dạy, người học được yêu cầu làm theo những hành vi chỉ định và thụ động tiếp nhận những gì được cung cấp. Ngược lại, tự học là cách tiếp cận lấy người học làm trung tâm, nội dung học tập được thiết kế để phục vụ mục tiêu riêng của từng người học; phương pháp học được xác định dựa trên tính cách và phong cách học của từng người; tại đó, sẽ không còn vai trò của người dạy mà thay thế cho nó là vai trò của người hướng dẫn, đồng hành hỗ trợ người học hoàn thành mục tiêu học tập.
(ii) Tự học là cách khai thác tốt nhất những kinh nghiệm đã có trong kinh doanh
Nếu như phương pháp sư phạm phù hợp hơn với trẻ nhỏ - những người chưa có nhiều trải nghiệm trong cuộc sống. Thì tự học là phương pháp đặc biệt hiệu quả đối với người trưởng thành - những người đã tích lũy được một kho tàng kiến thức thông qua kinh nghiệm đã trải qua trong cuộc sống. Những kinh nghiệm này đặc biệt có giá trị, vì nó đã trải qua những thử thách của thực tiễn và tồn tại được. Quá trình tự học là quá trình xem xét và hệ thống hóa lại những kinh nghiệm đã qua, đánh giá lại sự phù hợp của chúng, thay thế những thứ chưa phù hợp bằng những thứ phù hợp hơn và kiểm chứng lại nó trong thực tiễn để hình thành nên nhận thức mới. Khi có khả năng tự học tốt, con người sẽ có khả năng tự phát hiện vấn đề, tự điều chỉnh và tự hoàn thiện bản thân. Khi đó, quá trình tự học là quá trình diễn ra liên tục trong suốt cuộc đời con người, trong bất kể tình huống nào.
(iii) Để tự học quản trị kinh doanh hiệu quả, nên có người hỗ trợ
Ở trạng thái lý tưởng, con người có khả năng tự quyết trong mọi khía cạnh của học tập, có nghĩa là chúng ta tự có khả năng học hiệu quả mọi thứ. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta đều cần có sự hỗ trợ từ người khác để quá trình tự học đạt hiệu quả, thông qua 4 hoạt động chính:
-
Xác định mục tiêu và vấn đề cần giải quyết: cá nhân mỗi người dù tài giỏi tới đâu cũng bị chi phối bởi rất nhiều thiên kiến. Nếu vấn đề do chúng ta tạo ra, thì bản thân chúng ta khó có thể tự phát hiện ra nó. Sự hỗ trợ của người khác sẽ giúp chúng ta thấy rõ hơn vấn đề của mình.
-
Xây dựng chương trình cá nhân hóa: Giống như người bác sĩ giỏi, những người có chuyên môn sẽ giúp chúng ta hiểu được chính xác điều gì cần phải làm để giải quyết vấn đề và đạt được mục tiêu.
-
Đồng hành trong quá trình thực hiện kế hoạch học tập: Học tập chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt với người lớn khi những thói quen đã định hình và ăn sâu. Người đồng hành có chuyên môn trong quá trình học tập không chỉ tạo động lực cho người học mà còn cung cấp sự hướng dẫn phù hợp giúp họ vượt qua trở ngại trong những tình huống phức tạp.
-
Để đưa ra phản hồi và đánh giá: Giống như đi xe cần nhìn đồng hồ tốc độ, những phản hồi và đánh giá kịp thời giúp người học biết mình đang ở vị trí nào và trạng thái hoạt động ra sao. Nó làm căn cứ để người học có thể tự điều chỉnh lại nhịp độ và cách thức học của mình
2. Tại sao nhà lãnh đạo cần phải tự học quản trị kinh doanh
(i) Bối cảnh kinh doanh ngày nay
Kinh doanh ngày nay phải đối mặt với những thách thức vô cùng lớn từ sự biến động không theo bất cứ một quy luật nào của thị trường. Thuyết hỗn mang (Chaos) nói rằng thế giới luôn trong bối cảnh siêu tương tác với những sự phức tạp vượt quá khả năng hiểu biết của con người; tất cả con người dù tài giỏi tới mấy cũng chỉ biết được 1 phần (rất nhỏ) của thế giới này, hầu hết những thứ chi phối cuộc sống chúng ta là thứ mà chúng ta chưa biết.
Dave Snowden trong khung Cynefin đã phân loại nhận thức của con người thành 4 vùng: (1) Những thứ chúng ta biết là mình biết; (2) Những thứ chúng ta biết là mình chưa biết; (3) Những thứ chúng ta chưa biết là mình biết và (4) Những thứ chúng ta không biết là mình không biết. Vùng (1) và (2) là những vùng tương đối dễ dàng kiểm soát bằng con đường học tập và rèn luyện - hành động của chúng ta thường ở 2 vùng này; nhưng (3) và (4) là những vùng phức tạp hơn đòi hỏi chúng ta phải khám phá một cách khó nhọc; hành trình này có thể đẩy chúng ta vào vũng lầy của sự hỗn loạn hoặc mở ra chân trời của sự đột phá. Kinh doanh cũng vậy, nếu doanh nghiệp không có khả năng tự hiểu chính mình và liên tục khám phá được những vùng nhận thức mới, họ sẽ không thể có cơ hội tồn tại trên thị trường, ngay cả những doanh nghiệp khổng lồ cũng phải liên tục thúc đẩy tự đổi mới hàng ngày nếu không muốn bị bỏ lại nhanh chóng.
(ii) Tự học là 1 năng lực cạnh tranh đặc biệt của doanh nghiệp
Sự phát triển đột phá của công nghệ và kinh tế chia sẻ khiến cho tốc độ vận động của tri thức nhanh hơn bất cứ thời kì nào trong lịch sử. Một sáng kiến kinh doanh ở Mỹ có thể ngay lập tức được ứng dụng tại Trung Quốc gân như cùng 1 thời điểm mà không cần trải qua quá trình chuyển giao phức tạp mất thời gian như trước kia. Điều đó chỉ có được khi các doanh nghiệp có sẵn nền tảng tri thức vững vàng và khả năng học tập siêu việt. Thế giới kinh doanh ngày nay là thế giới bị chi phối bởi công nghệ và năng lực tự học sẽ trở thành năng lực cạnh tranh then chốt giúp doanh nghiệp tồn tại và phát triển trong vòng xoáy điên cuồng đó.
(iii) Tự học là phương pháp phù hợp nhất đối với nhà quản trị
Với nhà quản trị, điều giá trị nhất bạn có được là kinh nghiệm của mình. Nó chứa cả những trải nghiệm thành công lẫn thất bại, những cảm xúc vui mừng phấn chấn đến lỗi lo lắng bất an; tất cả đều được tích hợp trong mô hình tinh thần chi phối mọi suy nghĩ và hành động của bạn. Chỉ có bạn mới là người thực sự hiểu nó hoạt động thế nào và làm thế nào để kích hoạt nó hiệu quả nhất. Tự học là quá trình khám phá mô hình nhận thức của bạn, giúp bạn củng cố những hạn chế cũng như bù đắp những thiếu hụt để hình thành một mô hình nhận thức tốt hơn, điều mà không một phương pháp học tập nào khác trước đây có thể làm được.
(iv) Những doanh nhân tự học điển hình
Mỹ là vùng đất đáng mơ ước của những doanh nhân, có thể nói tinh hoa quản trị doanh nghiệp đương đại phần lớn nằm ở đây. Điều ít ai để ý là rất nhiều nhà lãnh đạo đang điều hành các đế chế kinh doanh lừng lẫy chi phối toàn cầu như Steve Jobs (Apple); Billgate (Microsoft) hay Mark Zuckerberg (Facebook) đều chọn con đường bỏ học đại học để khởi nghiệp. Có phải họ không cần đến các tri thức trong trường đại học? Chắc chắn không! Vì nếu vậy, các sản phẩm dịch vụ mà họ cung cấp không thể có hàm lượng tri thức và công nghệ cao đến thế, các chiến lược kinh doanh toàn cầu của họ không thể hiệu quả đến thế, và đội ngũ nhân sự của họ không thể nhiều người xuất sắc đến thế.
Doanh nhân Nhật Bản - Matsushita Konosuke chỉ học hết tiểu học, 9 tuổi phải đi học việc kiếm sống và nuôi gia đình đã một mình gây dựng đế chế kinh doanh Panasonic lừng lẫy với doanh thu hàng năm > 50 tỷ USD. Không những vậy, ông còn sáng lập hàng loạt trường đào tạo kinh doanh, tạo lên sự chuyển mình thần kỳ cho đất nước Nhật Bản sau thế chiến thứ 2. Nếu không có khả năng tự học, ông không thể làm được những điều vĩ đại này!
Jack Ma - sáng lập đế chế thương mại điện tử Alibaba (doanh thu hàng năm >120 tỷ USD) với nền tảng học vấn không liên quan gì tới quản trị kinh doanh (luôn đạt điểm thấp ở môn toán và tốt nghiệp đại học sư phạm ngành tiếng Anh). Nếu không tự học hỏi, có lẽ ông không thể hiểu rõ công nghệ là gì và đương nhiên là không thể xây dựng được một đế chế thương mại điện tử hàng đầu thế giới như Alibaba.
Những câu chuyện trên cho chúng ta thấy những người xuất sắc chắc chắn không nhờ may mắn, họ cũng không thành công vì bỏ học và coi nhẹ tri thức; điều khá rõ ràng là họ đều là những con người khao khát tri thức và có khả năng tự học hỏi phi thường.
3. Sự ưu việt của tự học quản trị kinh doanh
Xã hội ngày nay tạo ra những thách thức đổi mới sáng tạo cực lớn đối với doanh nghiệp. Nhưng đồng thời, nó cũng mở ra cơ hội chưa từng có cho những doanh nhân có tinh thần học hỏi. Công nghệ giúp mở toang kho tàng tri thức nhân loại mà trước đó chỉ là đặc ân xa xỉ của những kẻ mạnh và lắm tiền. Chưa bao giờ doanh nhân ở những quốc gia "vùng trũng" như Việt Nam lại tiến gần những thành tựu hàng đầu của nhân loại đến vậy. Tự học quản trị kinh doanh là con đường ưu việt nhất giúp doanh nhân tận dụng cơ hội này, thông qua các khía cạnh:
(i) Lĩnh hội tri thức tinh hoa
Khi nền kinh tế thế giới ngày càng năng động, dòng chảy tri thức quản trị của nhân loại cũng vận động không ngừng. Nếu như trước kia, tri thức là thứ "tài sản riêng" thì ngày nay, tri thức là "tài sản chung" và chúng liên tục được bồi đắp. Tự học quản trị giúp các doanh nhân chủ động tiếp cận những tri thức tiến bộ nhất của nhân loại thông qua các nguồn sau:
-
Các B-School hàng đầu: Phương pháp học tập tại các B-School hàng đầu đều dựa trên tự học. Hầu hết các nguồn tài nguyên học tập của B-School đều là tài nguyên mở, ai cũng có thể tiếp cận. Điều khác biệt làm nên danh tiếng của họ là triết lý hoạt động, phương pháp luận của chương trình, đội ngũ nghiên cứu giảng dạy và danh tiếng của chính người học. Hiểu được những điều này, chúng ta sẽ tiến gần hơn đến họ.
-
Những nhà tư tưởng, nhà khoa học; học giả; doanh nhân lớn: Những tư tưởng lớn thường ít bị kìm hãm và ràng buộc bởi 1 thể chế, họ mong muốn mang tư tưởng tốt đẹp của mình tới toàn thể nhân loại thông qua các công trình nghiên cứu; tác phẩm văn học (sách, báo); nội dung chia sẻ mà ai muốn cũng có thể sở hữu. Khi những doanh nhân đã thực sự sẵn sàng, người "thầy" sẽ xuất hiện.
-
Những doanh nghiệp vĩ đại hàng đầu thế giới: Doanh nghiệp tiến bộ ngày nay không thành công bằng cách đè bẹp kẻ khác; mà ngược lại, họ thành công bằng cách giúp người khác thành công. Họ sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm thành công cũng như thất bại từ thực tiễn của mình tới những người khác. Thông qua nghiên cứu Case Study về các doanh nghiệp điển hình, người học có thể tự đúc rút được bài học thực tiễn giá trị cho riêng mình.
(ii) Cá nhân hóa tối đa
Ngày nay, chúng ta đã quen thuộc với cách đào tạo của nền giáo dục đại chúng của xã hội công nghiệp dựa trên chuyên môn hóa. Nơi việc học được phổ cập và đánh đồng cho tất cả. Mà quên mất rằng, bản thân mỗi người là 1 chủ thể độc lập, họ có một số điểm chung nhưng rất nhiều điểm khác biệt với phần còn lại. Do vậy, chương trình học tập hiệu quả nhất phải là chương trình được xây dựng cho từng cá nhân. Nhìn lại lịch sử, sự cá nhân hóa này cũng đã từng được áp dụng cho việc đào tạo tầng lớp thượng lưu như vua chúa, quý tộc. Đối với tự học quản trị kinh doanh, việc cá nhân hóa dựa trên những căn cứ sau.
-
Dựa trên vấn đề mà cá nhân hay tổ chức gặp phải: Mỗi cá nhân và tổ chức có những mục tiêu cũng như vấn đề riêng. Chương trình tự học quản trị kinh doanh cho phép thiết kế để giải quyết vấn đề riêng của mỗi cá nhân và tổ chức của họ. Rất hiếm có loại thuốc có thể chữa được bách bệnh. Phần lớn các chương trình đào tạo quản trị kinh doanh đại trà trên thị trường hiện nay đều đánh đồng người học nhằm mục đích thuận tiện và tạo ra hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị tổ chức.
-
Dựa trên phong cách học tập riêng của mỗi người: Mỗi con người là một tính cách riêng, sự khác biệt về tính cách kết hợp những trải nghiệm học tập trong quá khứ tạo nên phong cách học tập riêng của mỗi người. Chương trình tự học quản trị kinh doanh cho phép dựa trên phong cách học tập của mỗi người để thiết kế các hoạt động phù hợp đối với từng cá nhân.
-
Dựa trên khả năng tự kiểm soát quá trình học tập: Đối với người lớn, đặc biệt là những nhà quản lý, việc tự kiểm soát là kỹ năng quan trọng hàng đầu. Tự học quản trị kinh doanh dựa trên tiền đề là người học có khả năng tự định hướng và chỉ đạo quá trình học tập của bản thân. Họ học cho chính họ và vì chính họ chứ không vì bất kì điều gì khác.
(iii) Hiệu quả vượt trội
Nếu coi học tập là một hoạt động đầu tư thì hiệu quả của nó sẽ được đo lường bằng những lợi ích đạt được và chi phí bỏ ra. Có thể liệt kê một số lợi ích và chi phí của tự học quản trị kinh doanh như sau:
-
Lợi ích gia tăng:
-
Lĩnh hội kiến thức chuẩn quốc tế cả lý thuyết lẫn thực tiễn
-
Nâng cao kĩ năng siêu nhận thức, kĩ năng tự phản ánh, kĩ năng phản biện, kĩ năng tự học
-
Giải quyết được vấn đề của cá nhân và tổ chức ngay trong chương trình học
-
Giá trị lâu dài khác cho cá nhân; gia đình; tổ chức; xã hội
-
Có thể phù hợp với mọi cá nhân trong mọi hoàn cảnh
-
-
Chi phí giảm thiểu:
-
Thuê địa điểm
-
Chi phí đi lại
-
Chi phí cơ hội cho việc học
-
Lãng phí do nhiễm phải những tư tưởng không phù hợp
-
Chi phí phát sinh khác
-
4. Làm thế nào để tự học quản trị kinh doanh hiệu quả
Mặc dù tự học có thể phù hợp với mọi người, trong mọi bối cảnh. Nhưng đây là một năng lực về hành vi với nhiều cấp độ, việc nâng cao năng lực tự học đòi hỏi quá trình rèn luyện theo phương pháp phù hợp và nên có sự hướng dẫn. Để tự học quản trị kinh doanh hiệu quả, người học cần nắm rõ những hạn chế của mình dựa trên một số đặc điểm chung được chúng tôi mô tả dưới đây.
(i) Đặc điểm người học quản trị kinh doanh tại Việt Nam
Người kinh doanh ở Việt Nam phần lớn không được đào tạo ở những nơi đào tạo kinh doanh uy tín theo thông lệ quốc tế. Họ cũng ít được tiếp cận với tri thức và học hỏi cách làm kinh doanh tiến bộ trên thế giới. Họ cũng khó tự tiếp cận các kiến thức quản trị kinh doanh chuẩn mực do không có nền tảng để có thể tự thẩm định và những hạn chế về ngôn ngữ.
Người học tại Việt Nam ít được học theo phương pháp học tập tiến bộ lấy người học làm trung tâm, họ vẫn cho rằng hình thức đào tạo lấy giảng viên làm trung tâm theo truyền thống còn hiệu quả; thực tế các trường B-School trên thế giới đã bỏ cách đào tạo này từ lâu.
Người học tại Việt Nam chưa có nền tảng về tư duy phản biện và học tập chủ động cũng như khả năng tự nghiên cứu, phần lớn họ rất thụ động trong quá trình tham gia trên lớp, ngồi nghe giảng viên truyền thụ kiến thức 1 chiều và rất ít có những phản biện về chuyên môn đối với người dạy và bạn học.
Người học tại Việt Nam thường nghĩ sự học tập là "nhàn" và có thể tìm được "bí quyết thành công" từ một ai đó (giảng viên, chuyên gia) để áp dụng ngay cho doanh nghiệp mình, nhưng họ thường thất vọng về điều đó vì thực tế là hiếm có thành công nào có thể nhân bản.
Người học Việt Nam trọng bằng cấp, sự hào nhoáng hơn những tri thức thực sự nhận được nên thường quyết định tham dự các chương trình dựa trên tên tuổi, xếp hạng, thương hiệu giảng viên mà ít quan tâm tới chất lượng thực sự của chương trình.
Những điều này tạo điều kiện cho các bên cung cấp dịch vụ dùng các chiêu trò marketing không lành mạnh đánh vào tâm lý muốn nhanh, muốn dễ, tham lam, fomo của người học với những khẩu hiệu kêu gọi hành động vô cùng hấp dẫn và vô cùng phản giáo dục: cam kết X2, X10; trao bí quyết, trao công thức, lập bản đồ thành công....Chúng tôi cũng đã đúc kết một số tổng hợp dưới đây để người học hiểu hơn về thực trạng đào tạo quản trị kinh doanh tại Việt Nam.
(ii) Đào tạo quản trị kinh doanh tại Việt Nam
Mặc dù có nhiều trường đại học và cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh, nhưng Việt Nam vẫn là 1 vùng trũng của thế giới về đào tạo quản trị kinh doanh. Hầu hết các chương trình đều cóp nhặt các kiến thức từ các trường lớn trên thế giới và lắp ghép thành chương trình đào tạo mà không có triết lý và phương pháp thiết kế chương trình rõ ràng. Các khối kiến thức được lắp ghép một cách khiên cưỡng với không ít môn học rất trend nhưng nội dung thì chẳng mấy liên quan, nhiều nội dung cần thì không có mà có thì không cần.
Việc tổ chức đào tạo hầu hết đều theo phương pháp truyền thống - lấy giảng viên làm trung tâm với cách tiếp cận hành vi thụ động, không có sự chuẩn bị trước khi lên lớp cũng không quản lý hoạt động thực hành hoặc nghiên cứu sau khi người học rời khỏi lớp học. Lớp học được tổ chức tập trung vào hiệu quả triển khai mà ít quan tâm tới chất lượng đào tạo với số lượng đông và đẩy kiến thức theo kiểu sản xuất hàng loạt mà ít quan tâm tới sự cá nhân hóa và kết quả cho từng người học.
Hệ thống tài nguyên học tập đều rất sơ sài, ít được đầu tư và không đủ đáp ứng được nhu cầu tự học và tự nghiên cứu của người học, hầu hết học liệu đều giao cho giảng viên tự biên soạn theo quan điểm cá nhân, có rất nhiều sự không đồng bộ khi kết hợp nhiều chủ đề học của nhiều giảng viên trong cùng 1 chương trình.
Đội ngũ giảng dạy hầu như không được đào tạo bài bản từ các trường kinh doanh lớn trên thế giới; không hiểu biết sâu về phương pháp giảng dạy; rất nhiều trong số đó gắn mác doanh nhân thành công để thuận tiện cho quá trình tuyển sinh. Điều này rất nguy hiểm cho người học, họ có thể cung cấp cho người học nhưng tư tưởng và nhận thức sai.
(ii) Điều kiện để tự học quản trị kinh doanh hiệu quả
Để đạt được hiệu quả cao trong quá trình tự học, người học cần đảm bảo được một số điều kiện sau:
-
Khả năng tự nhận thức
Tự học đòi hỏi khả năng tự nhận thức cao độ của người học, họ cần biết mình muốn gì và có những khả năng nào. Quá trình tự học cũng yêu cầu người học liên tục nhìn lại những nhận thức của mình và điều chỉnh nhận thức đó để phù hợp hơn với những thông tin, dữ liệu mới tiếp nhận.
-
Tư duy phản biện
Tư duy phản biện hay tư duy phê phán giúp người học liên tục tự đặt câu hỏi về những kiến thức, thông tin, dữ liệu, quan điểm từ bên ngoài để làm rõ sự khác biệt với quan điểm của bản thân, thông qua tranh luận, thuyết phục để đạt được sự nhận thức mới hoặc củng cố nhận thức đã có. Quá trình đó cho phép bản thân người học tự đặt câu hỏi về những nhận thức của mình, nghi ngờ những thông tin từ người khác và thôi thúc tìm tòi khám phá để tìm ra điều đúng đắn hơn.
-
Môi trường kiến tạo & thúc đẩy
Hầu hết các trường B-School đều xây dựng MBA oath (lời thề MBA) hay Academic Honor Code (danh dự học thuật) và coi coi trọng nó như chính danh dự bản thân mỗi người. Hệ thống thư viện (offline, điện tử) rất đa dạng các tài nguyên hỗ trợ việc học tập, nghiên cứu, họ coi đó là kho tri thức, là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực đào tạo của mình. Đồng thời, đơn vị tổ chức cần duy trì được một văn hóa học tập với tinh thần và thái độ tích cực, thúc đẩy mạnh mẽ các mối quan hệ cộng hưởng cho quá trình học tập của người học. Albert Bandura - được coi là nhà tâm lý có ảnh hưởng nhất mọi thời đại đã khẳng định: con người hoàn toàn có khả năng "tự hiệu quả", quá trình này được đảm bảo bởi 4 khía cạnh chính:
-
Cảm xúc được khơi gợi để thúc đẩy hành động
-
Nhận thức để lĩnh hội thông tin
-
Động lực để kích hoạt hành động
-
Tự điều chỉnh hành vi, suy nghĩ để cải thiện nhận thức
Đối với hầu hết doanh nhân, những điều này là không quá thách thức, nhưng cũng không quá dễ dàng, một sự định hướng và hỗ trợ phù hợp sẽ thúc đẩy quá trình tự học hiệu quả.
-
Sự hướng dẫn phù hợp
Chương trình tự học sẽ không còn vai trò của người "dạy" mà thay vào đó là "người hướng dẫn" với những kĩ năng rất khác biệt. Để việc tự học quản trị kinh doanh hiệu quả, người hướng dẫn cần đảm bảo có chuyên môn sâu về lĩnh vực học tập của người học, đồng thời cần có những kĩ năng hỗ trợ phù hợp để luôn đảm bảo duy trì được sự tự định hướng cũng như khả năng tự quyết của người học.
5. Chương trình tự học quản trị kinh doanh chuẩn quốc tế
Trong quá trình tự học, quan trọng hơn cả là được tiếp cận những nguồn tài nguyên học tập chất lượng; nhận được sự hỗ trợ và hướng dẫn đúng phương pháp của người có chuyên môn. Tại Việt Nam, BizPub.vn là đơn vị tiên phong ứng dụng phương pháp tự học theo chuẩn quốc tế vào đào tạo quản trị kinh doanh. Với nội dung được nghiên cứu phát triển từ các nguồn chính thống, được thừa nhận rộng rãi tại các trường kinh doanh (B-School) hàng đầu thế giới, cùng đội ngũ chuyên gia học tập dày dạn kinh nghiệm. Đây là một sự lựa chọn đáng cân nhắc cho những ai mong muốn phát triển năng lực lãnh đạo điều hành theo thông lệ quốc tế.
Chương trình tự học quản trị kinh doanh tại BizPub.vn xoay quanh 5 lĩnh vực chủ chốt của quản trị, bao gồm:
Phương pháp tự học tại BizPub.vn được xây dựng dựa trên các lý thuyết học tập và học tập cho người lớn được kiểm chứng và thừa nhận rộng rãi trên toàn thế giới.